Cô vợ 'sính ngoại'

26/05/2016 - 16:12
Với các cặp đôi, sau khi đã kết hôn, việc nhìn nhận, ứng xử cho công bằng và khéo léo giữa hai bên nội - ngoại luôn là điều cần thiết.
Thư gửi vợ: “Em đừng lúc nào cũng ngoại... ngoại”
Mới đây, anh Duy Quang (33 tuổi) ở Đông Hà, Quảng Trị đã viết một bức thư định gửi cho vợ nhưng rồi sợ cách nói chưa khéo làm vợ tự ái, giận dỗi nên anh đã quyết định gửi cho Báo Phụ nữ Việt Nam, như một lời giãi bày, tâm sự. Trong thư, anh Duy Quang viết:Anh không phủ nhận tình cảm của các cậu, dì, của ông bà ngoại dành cho con của chúng mình. Nhưng em lúc nào cũng “vô tư” kể lể: “Của ngoại cho”, “của ngoại gửi”, “dì biếu”, “cậu tặng”... làm cho cả nhà anh phải chạnh lòng. Nhất là với mẹ anh, em không để ý, chứ sau mỗi lần em kể lể như thế, anh cảm thấy không khí rất nặng nề. Mẹ lẳng lặng lấy cớ gì đó đi vào nhà trong.
Ông bà nội cũng rất thương con, cháu mà sao em không biết, không nhận ra. Đi đâu về, ông bà cũng có quà. Có miếng ăn gì ngon, vật lạ gì của các bác, các chú biếu, ông bà cũng để dành đợi cháu, con cùng về rồi mới thưởng thức. Tất nhiên, anh biết quà của ông bà nội chỉ là quà quê. Với lại ba mẹ anh, chú bác bên nội đều giản dị, không cầu kỳ, kiểu cách. Tất cả chỉ cốt ở tấm lòng.
Cho đến một ngày bát nước đầy đã bị tràn khi em và con từ bên nhà ngoại về. Bà nội ùa ra đón, ôm cu Tí hôn, âu yếm với nỗi nhớ mong. Còn em thì oang oang: “Cái này là dì H. cho... cái này là của cậu N... Cu Tí thích quá, không chịu về nhà, cứ đòi ở lại bên ấy...”. Bà nội đứng lên, bỏ vào nhà trong.  Còn anh, nhìn theo mẹ mà hất hết tất cả đi. Em khóc lu loa, kể lể. Anh biết anh nóng giận, nhưng em có biết nguyên nhân từ đâu để dẫn đến ngày này?”.
Vợ tôi quá bất công
Anh Lê Đồng (38 tuổi, Làng Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng: Hồi yêu, vợ anh Đồng rất ít khi để ý đến các việc cũng như các thành viên trong gia đình anh. Khi ấy, anh Đồng cứ nghĩ cô ấy chưa quen, sau khi cưới, trở thành con cái trong nhà thì mọi việc sẽ khác. Nhưng sau ngày cưới một thời gian, anh nhận ra mình đã mơ mộng nhiều quá.
Gia đình nhà anh Đồng ở quê, lại có dòng họ lớn. Hầu như cả làng đều là họ hàng với nhau. Mỗi khi về, ra đường, gặp ai anh cũng niềm nở chào thì cô ấy cau có. “Về quê anh mệt quá. Chào, cười nhiều như thế anh không thấy mỏi miệng à?”. Anh choáng trước câu nói đó nhưng chuyện không dừng lại ở đấy. Càng về sau, mỗi lần anh nói đến chuyện về quê, cô ấy hay gạt phắt đi, tìm đủ các lý do để kêu bận. Nếu có buộc phải về thì đa số cô ấy về tay không. Lần nào về cũng kêu là “tốn kém”. Mỗi khi ở quê anh có ai lên chơi, chữa bệnh,… cô ấy đều tỏ thái độ không hài lòng. “Sao họ hàng ở đâu mà nhiều thế, phiền hà quá. Lần sau, anh cố gắng đừng để người ta kéo nhau lên nhà mình ùn ùn như thế”. Nhưng, điều anh Đồng bực mình là so với bên nhà ngoại, thì cô ấy cư xử khác hẳn.
So với quê anh, nhà vợ tuy có gần Hà Nội hơn một ít nhưng vẫn là ở quê. Bất kỳ lúc nào rỗi cũng thấy cô ấy nhắc đến chuyện về ngoại.  Mỗi lần về, cô ấy lên cả danh sách những thứ đồ cần phải mua làm quà. Riêng kẹo, bánh để thắp hương các cụ thì lần nào cũng có. Về đúng đợt lĩnh lương thì sẽ là cái áo cho mẹ, đôi dép cho chị gái, bộ bút màu cho cô cháu, cái đèn bàn cho bố đọc sách... Họ hàng nhà cô ấy có gọi điện thì lần nào cũng niềm nở, mời mọc nhiệt tình “Thu xếp ngày nghỉ, lên Hà Nội chơi vài ngày nhé, đi công viên, đi Lăng Bác…”. Khi họ có lên, cô ấy xăm xắn chuyện đi chợ, mua đồ ăn, nấu nướng. Lúc về, cô ấy còn đưa tận ra bến xe, cho cả tiền mua vé... Những lúc nhìn cô ấy tiếp đãi người thân gia đình nhà mình mà anh Đồng thấy tủi cho gia đình nhà nội quá. Anh Đồng cho biết: “Tôi vẫn biết máu mủ nhà nào thì nhà ấy thương hơn nhưng thiết nghĩ đã là vợ chồng thì rất cần phải biết tôn trọng và đối xử với gia đình 2 bên công bằng hơn. Khi người chồng cảm thấy tự hào với gia đình mình về vợ, thấy gia đình mình được vợ tôn trọng thì người chồng mới có thể tôn trọng lại được gia đình bên vợ. Chính từ những hành động ấy mà nhiều khi tôi cảm thấy thực sự thất vọng về vợ”.

Riêng với anh Nguyễn Văn Cương (32 tuổi, nhà ở Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đang làm kế toán tại Hà Nội cho biết: “Thực ra, trong chuyện này, không nên đặt áp lực lớn cho vợ. Mặc dù thuộc thế hệ 8x nhưng em vẫn thấy quan niệm như các cụ ngày xưa là có lý. Con gái khi đã lấy chồng thì nên (phải) chăm lo cho gia đình mới. Đấy là sự xác định về trách nhiệm, nghĩa vụ. Tuy nhiên, người chồng cũng cần phải khéo léo chứ không nên đặt áp lực lớn theo kiểu gia trưởng về việc chị em phải thế này, phải thế kia. Giờ, con gái hiện đại, cá tính, bình đẳng và cũng nóng nảy hơn các bà, các mẹ, các chị ngày trước rất nhiều. Nếu đàn ông biết cư xử, biết nịnh, khiến cho họ nghe lọt tai, họ thấy việc mình đề nghị các việc liên quan đến gia đình nhà nội là hợp lý thì họ có thể nhiệt tình thực hiện hết mình. Nếu nghe chướng tai hoặc hơi gây ức chế thì họ sẽ phản kháng và làm ngược lại hết. Khi ấy, chỉ có chồng đứng giữa là thấy khó xử giữa vợ và gia đình nhà mình.
Em cũng đã cưới được 6 năm và hiện có 2 con. Trong thời gian qua, cách làm của em về việc đối với nội và ngoại cũng nhất quán như ý nghĩ. Tức là mọi việc nội ngoại là phải quan tâm tương đồng nhau. Chính mình cũng không được phép ưu ái bên nội hơn để không cho vợ có cơ hội nảy sinh tâm lý so sánh hơn thiệt về giá trị, mức độ của sự quan tâm giữa hai bên. Có như vậy, vợ sẽ không nói được mình và khi cô ấy chưa làm tốt thì mình mới có thể càm ràm hay góp ý được”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm