Con cá, mớ rau liệu có tăng theo giá xăng, giá điện?

05/12/2017 - 09:10
Sau những đợt tăng giá xăng liên tiếp, đến ngày 1/12/2017, giá điện cũng bất ngờ tăng thêm 6,08%. Với việc những mặt hàng có ý nghĩa chiến lược đều đồng loạt tăng như vậy, ai sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng đã liên tục tăng, tổng mức tăng khoảng 2.000 đồng/lít. Đó cũng được xem là mức trung bình mà một người dân phải “tăng chi” để có thể đảm bảo nhu cầu đi lại làm ăn.

Với mức tăng giá điện 6,08%, những gia đình có mức sử dụng điện trung bình khoảng 300-400kWh/tháng sẽ phải “tăng chi” khoảng 60.000 – 80.000 đồng.

images2059939_gia_dien.jpg
Giá điện tăng sẽ tác động không nhỏ đến người tiêu dùng

Như vậy, chỉ riêng tiền điện và xăng, mỗi người sẽ phải “tăng chi” khoảng 120.000-140.000 đồng/tháng. Mới nhìn qua, số tiền ấy không quá lớn, chiếm khoảng 3%-4% tổng thu nhập của một người lao động bình thường. 

Tuy nhiên, nếu mỗi gia đình có 2 người đi làm, mức chi sẽ phải tăng gấp rưỡi số tiền trên. Còn nếu có con đi học xa, hoặc công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều hơn bình thường, mức tăng chi cũng sẽ nhiều hơn đáng kể - có thể lên đến 400.000-500.000 đồng/tháng, tức bằng khoảng 10% thu nhập của một người lao động.

Nếu tính theo cách đó, mức “tăng chi” qua việc tăng giá xăng và điện sẽ gây áp lực không nhỏ lên đời sống của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Bởi xăng và điện đều là những mặt hàng chiến lược, là “đầu vào” của chi phí sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp.

Hai mặt hàng này tăng giá đồng nghĩa với chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, tác động tới giá thành sản phẩm và giá bán lẻ sản phẩm trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên”. Điều đó đồng nghĩa với việc khi điện tăng 6,08%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng sẽ phải cân nhắc về khả năng sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng.
 
Tác động đa chiều lên người tiêu dùng

Trao đổi với báo chí, đại diện EVN cho biết: Dự kiến đến năm 2018, giá điện sẽ tác động tới CPI là 0,1%, GDP khoảng 0,66%. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá sản xuất là 0,07%, tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI 0,08% trong năm 2017”.

gia-xang-tang.jpg
Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng đã liên tục tăng, tổng mức tăng khoảng 2.000 đồng/lít.

Đó chỉ là đánh giá một cách “cục bộ” khi nhìn vào những tác động trực tiếp của việc tăng giá. Còn theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, khi giá điện tăng, các tương quan cần được đánh giá: Tác động đến GDP, ngành sản xuất và đặc biệt là tác động đến người lao động như thế nào?

Điện là một yếu tố đầu vào quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Đối với sản xuất, dù tăng 1% cũng ảnh hưởng vì đó là chi phí đầu vào, huống gì tăng đến 6,08%, nếu tính thêm cả VAT thì lên tới gần 7%. 

Không chỉ người dân, nhóm sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng rất lo lắng. Bởi giá điện nhóm sản xuất, kinh doanh sẽ tăng đáng kể. Ví dụ, giá điện sản xuất đối với cấp điện áp 110KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/kWh.

Giá điện thuộc nhóm kinh doanh, cấp điện áp 22 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ phải trả giá điện 3.957 đồng/kWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22KV có giá 4.095 đồng/kWh và dưới 6KV có giá 4.267 đồng/kWh.

Với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí tiền điện chiếm 10%-20% giá thành. Việc tăng giá điện có thể tạo nên nguy cơ tăng dây chuyền từ sắt thép, xi măng, sản phẩm công nghệ tới quả trứng, mớ rau, con cá... vì người dân phải chi thêm tiền điện và sẽ tính thêm chi phí các mặt hàng ngoài chợ. 

Còn một vấn đề nan giải đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đó là: Nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng, doanh nghiệp lại không tăng giá bán vì lo ngại sức mua giảm sút, sẽ khiến hàng tồn kho tăng. Hậu quả của việc này là doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
 
Nhưng nếu doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, dịch vụ, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các nhu cầu thiết yếu vẫn phải đảm bảo.

Trong bối cảnh giá điện tăng, giá xăng tiếp tục xu hướng tăng, nhu cầu tiêu dùng cuối năm cũng tăng, người dân hiện không chỉ chịu tác động kép mà thực tế là phải chịu tác động đa chiều. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm