Con gái cả không kịp về đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Thúy Thảo
24/04/2021 - 16:21
Con gái cả không kịp về đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Đoàn phim "Mùi cỏ cháy" viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Do dịch bệnh Covid-19, con gái cả của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là Hoàng Thư Trang đang ở Singapore đã không kịp về đưa tang cha. Hội Nhà văn Việt Nam và vợ cũ của nhà thơ đứng ra lo tang lễ cho ông trong chiều nay (24/4).

Chiều 24/4, lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được tổ chức tại Nhà tang lễ TP Hà Nội. Gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo người yêu thơ đã đến tiễn đưa thi sĩ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chị Điệp Vân - vợ cũ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - không giấu nổi đau buồn. Chị chia sẻ: Anh và chị sống với nhau 20 năm, có nhau với 2 người con rồi chia tay. Song, chị vẫn luôn ngưỡng mộ anh. Sinh thời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi thành lập hãng phim riêng cũng lấy tên vợ để đặt tên: Hãng phim Điệp Vân. Bộ phim "Mùi cỏ cháy" của Hãng phim Điệp Vân do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Phim đã được trao giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thú 17 và giành 4 giải Cánh diều Vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Con gái cả không kịp về đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 1.

Chị Điệp Vân - vợ cũ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - không giấu nổi đau buồn

Viết trong sổ tang, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, cựu sinh viên khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, bày tỏ: "...Thương tiếc anh, một nhà thơ có dấu ấn đặc biệt trong thi ca cuối thế kỷ XX, bởi phong cách thơ, hồn thơ và tình yêu đời, yêu người. Thơ anh làm cho tâm hồn người đọc trẻ trung hơn, sâu lắng hơn và tinh tế hơn. Nay anh tạm biệt cõi nhân gian và phiêu về cõi không có không gian và thời gian nữa nhưng thơ anh còn mãi và mãi được yêu quý ở chốn thời gian vẫn trôi này...".

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bồi hồi nhớ lại: "Những năm chiến tranh, tôi, Hoàng Nhuận Cầm và Trúc Thông là cặp 3 rất thân thiết tâm giao với nhau. Có thể nói, bất cứ bài thơ, tập thơ nào ra đời, Cầm đều đọc cho tôi và Trúc Thông nghe, chúng tôi có rất nhiều đêm đi lang thang Hà Nội trong chiến tranh. Tuổi khác nhau nhưng vừa là người bạn đồng nghiệp vừa là tình anh em rất thân thiết. Sau khi tôi về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi càng có điều kiện gặp gỡ Cầm. Sinh viên rất thích thơ Hoàng Nhuận Cầm, người lính học trò trong thơ Hoàng Nhuận Cầm rất sâu sắc, bởi vì tâm hồn của anh rất trong trẻo và thánh thiện. Một người rất đức độ, chỉ có thơ ca, quý tài, trọng tài, quý bạn, làm được gì cho bạn thì làm hết lòng".

Con gái cả không kịp về đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 2.

Người đến viếng xúc động ghi sổ tang

Nhà thơ Vi Thùy Linh xúc động viết: "Chú Cầm ơi! Cháu bàng hoàng khi Chú ra đi đột ngột và một mình. Cháu không tìm thấy ai yêu thơ, sống chết vì thơ và điện ảnh như Chú... Chú là một thi sĩ nguyên chất, đặc biệt và độc đáo nhất trong nền thơ Việt Nam hiện thời. 6 mặt xúc xắc đời để một mặt chữ Tình Thơ...".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có 4 người con. Do dịch bệnh Covid-19, con gái cả của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là Hoàng Thư Trang đang ở Singapore đã không kịp về đưa tang cha. Thời còn học sinh, sinh viên, Hoàng Thư Trang vốn là một cây bút viết báo, viết văn năng động, tuy nhiên sau đó Trang rẽ lối sang lĩnh vực khác và hiện công tác tại nước ngoài.

Sau điếu văn, con trai của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đọc bài thơ "Thêm một vì sao" của cha để tiễn biệt thi sĩ về cõi vĩnh hằng:

Nếu tôi chết - gia tài để lại 

Thơ mấy bài nào có gì đâu 

Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ 

Cắm trên mồ cho được bền lâu 

Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc 

Còn có hoa thủ thỉ đôi lời 

Đừng đốt nhé nến hồng, nến trắng 

Khi chết rồi nào thích dạo chơi 

Nếu tôi chết - rượu buồn hãy cạn 

Thôi lạy người! Uống hộ một ly 

Sống tôi đã như loài cây cỏ 

Chết đừng làm say bắt tôi đi. 

Nếu tôi chết - trời xanh bình lặng 

Thêm một vì sao nữa rụng rơi 

Bạn ngồi uống cà phê có nhớ 

Uống cả vì sao ấy hộ tôi.

Con gái cả không kịp về đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 3.

Con trai của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc bài thơ của cha để tiễn biệt thi sĩ về cõi vĩnh hằng


Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời vào chiều 20/4/2021 ở tuổi 69. Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, ông là con cả của nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng theo học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), rồi nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị từ năm 1971 đến khi đất nước thống nhất.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam nhưng rồi lại quay về Hãng Phim truyện Việt Nam.

Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của nhiều bài thơ tình được độc giả trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu như: Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...

Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Xúc xắc mùa thu năm 1993.

Bên cạnh thơ, ông cũng là một biên kịch nổi tiếng. Ông là tác giả tác phẩm của nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh, lịch sử đã được dựng thành phim như: Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… Ông đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh Diều Vàng cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy.

Với khán giả truyền hình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn quen thuộc với vai diễn Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm