Kẻ xâm hại mang gương mặt người quen
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, dường như cứ vài ngày lại thấy báo chí đăng tải một vụ trẻ em bị xâm hại. Có thể nói, nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục có ở mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt, trong những tháng nghỉ hè, khi trẻ không đến trường, nhiều trẻ em ở vùng nông thôn phải tham gia lao động, mưu sinh hoặc ở nhà một mình, không có người lớn thường xuyên bên cạnh, nguy cơ bị xâm hại càng lớn hơn.
Mới đây là vụ bé gái tên H. 15 tuổi ở xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, tố bị người đàn ông hàng xóm 51 tuổi tên Đ. hãm hiếp. Sau khi bị hãm hiếp bé gái lo sợ, không dám tố cáo người đàn ông này. Do thấy cháu có biểu hiện khác thường, gia đình đã tìm mọi cách thuyết phục, và đến ngày 23/5, cháu H. đã kể lại toàn bộ sự việc cho gia đình.
Ngay sau đó, gia đình cháu H. đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng tố cáo ông Đ. Gia đình đề nghị cơ quan liên quan tiến hành giám định y khoa ngay đối với cháu H. Hiện Công an huyện Nông Cống đang tiến hành điều tra làm rõ đơn tố cáo của gia đình cháu H.
Điều đáng nói là, theo số liệu từ cơ quan chức năng, thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ...). Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%. Trong số này, những người bị mắc loạn dục với trẻ em chỉ chiếm thiểu số. Đặc biệt, những người xâm hại tình dục trẻ em không phải chỉ có “yêu râu xanh”, những thành phần hư hỏng, mà ngay cả những người có chức có quyền và 93% là người thân, quen với trẻ - bất kể ai đó cũng có thể trở thành người xâm hại tình dục.
Dạy trẻ kỹ năng tự ứng phó càng sớm càng tốt
Theo một số chuyên gia, điều đầu tiên là các bậc phụ huynh cần chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình. Đặc biệt, việc phụ huynh chú ý lắng nghe những chia sẻ của trẻ là việc làm tối cần thiết. Điều này giúp cho trẻ có thể tự tin trao đổi với ba mẹ, không phải giấu giếm.
Hãy dạy trẻ biết những “chỗ riêng tư” trên cơ thể; biết từ chối các hành động mà trẻ thấy khó chịu; không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ; biết hô to khi cần sự giúp đỡ hay để thoát nạn, biết không phải lúc nào cũng nghe lời người lớn, tập cho trẻ thói quen kể cho phụ huynh nghe khi có bất cứ ai làm điều gì khó chịu hay nguy hiểm cho trẻ...
Nếu như bố mẹ thấy những vết thương, vết bầm bất thường ở miệng, vùng kín của trẻ; trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, phản ứng không bình thường từ trẻ khi trẻ được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với một người nào đó không; trẻ đi tiêu, tiểu khó, ra máu; thấy vệt máu trên quần áo trẻ; trẻ ít tắm, sợ tắm hoặc sợ thay đồ; trẻ khó ngủ, gặp ác mộng và hay tè dầm; trẻ hay vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục; bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan... thì hãy nghĩ ngay tới khả năng trẻ bị xâm hại để tìm cách ứng phó.
Vấn đề giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Để giảm thiểu nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, theo các chuyên gia, kiến thức về giới tính cần được giáo dục càng sớm càng tốt. Xâm hại tình dục ở các thể rất khác nhau, cho nên từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ em phải có chương trình giáo dục cho phù hợp – theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD).
Cần sự chung tay của cả hệ thống luật pháp đến cộng đồng
Dưới góc độ luật, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, cụ thể làm rõ khái niệm dâm ô tại điều 146, Bộ luật Hình sự 2015 để có thể bảo đảm việc xác định tội danh này cũng như trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ.
Đây là điều hết sức cần thiết, bởi theo nhiều chuyên gia, một trong những điều khiến không ít vụ án xâm hại tình dục trẻ em rơi vào bế tắc hoặc khó đưa ra bản án đủ nghiêm khắc là do khó khăn trong việc tìm ra chứng cứ. Theo LS Nguyễn Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, thì “Hệ thống pháp luật nào cũng quy định phải có bằng chứng mới có thể buộc tội được hung thủ. Nhưng chứng cứ là gì, khái niệm về chứng cứ và các điều kiện với từng loại tội phạm khác nhau và phải có sự tính toán phù hợp.
Trong các vụ án hiếp dâm, dâm ô trẻ em mà đòi hỏi nạn nhân phải miêu tả được chính xác hành vi, khuôn mặt, thời gian, địa điểm, diễn biến, có chứng cứ vật chất, có nhân chứng thì... không thể hiểu nổi. Vì nạn nhân là những đứa trẻ, là những người non nớt về nhận thức, không hiểu biết và đặc biệt là rất yếu đuối, dễ bị tổn thương, bị hung thủ chủ mưu hãm hại thì làm sao đáp ứng đủ các yêu cầu đó?”.
Với lập luận này, bà Nữ khẩn thiết đề nghị: “Rất cần sự chung tay của các cơ quan liên quan từ lập pháp, hành pháp tới tư pháp, trong đó đặc biệt là cơ quan điều tra. Cần có sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm tới cùng mới mong xử lý, góp phần ngăn chặn tình trạng này”.