pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con thất vọng do trượt đại học, cha mẹ hãy là chỗ dựa
Ảnh minh họa
Những ngày này, bên cạnh niềm vui nhiều thí sinh đỗ đại học theo đúng nguyện vọng của mình thì có không ít thí sinh chán nản, thất vọng khi trượt các nguyện vọng mơ ước, thậm chí không đỗ nguyện vọng nào. Các em cảm thấy mình thật vô dụng, thậm chí có em còn nghĩ đến tự tử vì sự cố gắng suốt thời gian qua đã không cho "trái ngọt".
Khi biết điểm chuẩn của các trường đại học, không ít thí sinh khóc ròng vì kết quả không như mong đợi. Nhiều em buồn vì không đỗ vào trường theo đúng nguyện vọng của mình nhưng dù sao vẫn đỗ các nguyện vọng dưới. Có không ít em dù điểm thi khá cao (25, 26 điểm, thậm chí có em 27 điểm) vẫn không đỗ nguyện vọng nào. Để đạt được số điểm ấy, các em đã rất nỗ lực và rất kỳ vọng vào bản thân. Không đỗ đại học, trong mắt các em, tương lai như đóng sập lại. Các em cảm thấy mình thật tồi tệ, vô dụng. Không ít em chán nản, stress, tìm cách hành hạ bản thân...
Cách đây không lâu, câu chuyện về một nam sinh vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPTQG đã tự tử bất thành khi làm bài không tốt khiến nhiều phụ huynh giật mình. Nam sinh ấy vốn là một học sinh giỏi. Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cả gia đình đã rất kì vọng vào em. Ngay cả bản thân em cũng nghĩ mình sẽ làm bài rất tốt. Thế nhưng mọi thứ lại không được như kì vọng.
Khi về nhà xem đáp áp các bài thi, biết mình bị điểm kém, em đã rất buồn. Em đã uống cùng lúc hơn chục viên Panadol để tự vẫn. Khoảng 1 giờ sau khi uống, nam sinh bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, co giật. May mắn được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương, sức khỏe của nam sinh đã dần hồi phục.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - những cảm xúc tiêu cực sau khi thất bại trong cuộc thi hoặc thi trượt dù đã cố gắng là điều bình thường. Chuyên gia này cho biết, một số người trẻ quyết định bỏ chạy khỏi tình huống bản thân không thể đương đầu. Song, đó là biện pháp không bền vững. Bởi, đó chỉ là cảm xúc nhất thời. "Tuyệt vọng cũng là trạng thái thường gặp ở học sinh. Đặc biệt là những bạn có kỳ vọng cao, dồn quá nhiều tâm sức nhưng không đạt được mục đích. Bạn sụp đổ, mất ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều con đường dẫn đến thành công trong cuộc sống. Trước hết, người thành công phải là người sống sót", PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Bộ Khoa học công nghệ - cho biết, kỹ năng sống của các em còn thiếu, nhất là kỹ năng đối đầu với sự thất bại, chấp nhận thất bại hay tự giải tỏa căng thẳng trong tâm lý. Những kỹ năng này rất cần thiết không chỉ với trẻ em mà đối với cả người lớn vì không phải lúc nào trong cuộc sống chúng ta cũng suôn sẻ và như mong muốn. Các em cần phải hiểu rằng, trong cuộc sống không chỉ có một lần thất bại. Điều quan trọng chúng ta nhận ra những điểm lỗi để rút kinh nghiệm và đứng lên làm lại. Sau mỗi thất bại chúng ta có tâm lý đau buồn là chuyện đương nhiên, nhưng cách chúng ta ứng xử với chúng như thế nào lại là bản lĩnh của mỗi người. Quyết tâm làm lại tốt hơn hay đắm chìm trong đau khổ? Sự lựa chọn của người thành công là ngay lập tức vạch ra một kế hoạch mới cho tương lai của mình.
Theo bà Phan Lan Hương, tình yêu của cha mẹ, sự thấu hiểu của cha mẹ và cách ứng xử hợp lý là cách quan trọng để các con lấy lại tinh thần. Không chì chiết, trách móc, so sánh hay tỏ thái độ thất vọng, buồn rầu đối với con. Các cha mẹ luôn nhớ, bản thân các con trong lúc này cũng đang suy sụp và hẫng hụt nhiều lắm và điều các con cần là một chỗ dựa bình yên, an toàn. Nếu các con có những dấu hiệu của trầm cảm, dấu hiệu về sang chấn tâm lý nên đưa con gặp nhà tham vấn, trị liệu để các con được hỗ trợ vượt qua những khó khăn tâm lý hiện tại.