Con trai hiến gan cứu mẹ bị xơ gan nặng

Đông Quân
30/06/2020 - 18:28
Con trai hiến gan cứu mẹ bị xơ gan nặng
Người con trai út đã hiến lá gan của mình để cứu mẹ 61 tuổi bị xơ gan giai đoạn nặng.

Bệnh nhân được ghép gan là bà H.T.P (61 tuổi, ngụ TP.HCM), có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Khoảng 1 tháng trước khi phẫu thuật, bà P. có vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ đánh giá, nếu không được ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong trong vòng 3 tháng của bệnh nhân có thể lên đến 50%. Với tình huống cấp bách như trên, ghép gan là phương pháp tốt nhất để bà P. có thể sống khỏe mạnh.

Trước tình trạng của bà P., cả 3 người con của bà đều có nguyện vọng hiến gan để cứu mẹ. Cuối cùng, người con trai út T.H.N. (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) phù hợp với các tiêu chuẩn về y học để hiến gan.

Con trai hiến gan cứu mẹ bị xơ gan nặng - Ảnh 1.

Bà P. (thứ 2 trái qua) lạc quan trước ca phẫu thuật

Ngày 15/6, ê-kíp ghép gan Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. Sau phẫu thuật 5 ngày, anh N. đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Sau phẫu thuật 1 tuần, anh N. đã được xuất viện.

Trong khi đó, sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, hiện tại đã có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. "Tôi rất cảm kích khi được con hiến gan. Thấy được sự hiếu thảo của con, cảm động lắm", bà P. chia sẻ.

Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ca ghép gan của bà P. là ca ghép gan thứ 11 được bệnh viện thực hiện thành công kể từ ngày 16/6/2018 - thời điểm ca ghép gan đầu tiên được thực hiện. 

TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém.

Con trai hiến gan cứu mẹ bị xơ gan nặng - Ảnh 2.

Ê-kíp bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho người bệnh

Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.

Bên cạnh đó, người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, đồng thời giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, để thực hiện ghép gan thành công đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm và thực hiện được các kỹ thuật phức tạp, mỗi cặp ghép đều khác nhau về chỉ định, bệnh lý và bệnh nền của người bệnh cũng rất khác nhau.

"Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục mời các chuyên gia từ Hàn Quốc, Mỹ và các Trung tâm ghép gan có uy tín trên thế giới đến hỗ trợ, giúp bệnh viện thực hiện các ca ghép an toàn hơn cho người bệnh. Đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật ghép khác nhau, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh", Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm