pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Pháp lệnh có 7 chương, 58 điều
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng gồm 7 chương và 58 điều. Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 2 chương mới là Chương 3 quy định về công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Chương 4 quy định về nguồn lực thực hiện và bổ sung 10 điều mới, sửa đổi 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định. Dự kiến, có khoảng 3 nghị định của Chính phủ và 3 thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp lệnh.
Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân như: Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống...
Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong pháp lệnh. Theo đó, chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm... Đồng thời, định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Quy định chế độ trợ cấp mai táng.
Pháp lệnh cũng bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn. Với việc nâng mức trợ cấp này, cùng với phụng dưỡng của xã hội, bảo đảm Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2021
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc người có công thực sự nhưng lại gặp nhiều vướng mắc trong giấy tờ, Pháp lệnh ra đời khắc phục điều này như thế nào, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết, trong Pháp lệnh quy định cụ thể việc giải quyết hồ sơ tồn đọng với tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đảm bảo tính pháp lý theo từng thời kỳ.
Ông Đào Ngọc Lợi cho biết: "Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 408 giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đến nay đã giải quyết cơ bản số hồ sơ đã hoàn thiện qua các thời kỳ mà đã đủ điều kiện và chỉ vận dụng thủ tục hồ sơ đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng của các địa phương là hơn 6.000 hồ sơ. Hiện nay, trong Pháp lệnh đã quy định, Chính phủ sẽ quy định tất cả những hồ sơ thủ tục để xem xét xác nhận những người không còn giấy tờ gốc, những đối tượng mà đã hoàn thiện hồ sơ nhưng chưa được xem xét quyết định. Pháp lệnh đã có quy định cụ thể và tùy theo từng giai đoạn lịch sử thì chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn".
Liên quan đến Pháp lệnh này, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết thêm, Pháp lệnh đã mở rộng đối tượng người bị địch bắt, tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc: người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.