pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 tới 387 liệt sĩ
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đại diện Bộ Quốc phòng trao Bằng Tổ quốc ghi công tới một số thân nhân liệt sĩ tại Nghệ An. Ảnh Bộ LĐ-TB&XH
Đây là thông tin được được đưa ra tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mới đây. Dịp này, Bộ LĐ-TB&XH đã trình công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 387 liệt sĩ. Tại buổi lễ này, 75 thân nhân đại diện cho 387 liệt sĩ được công nhận năm 2022 nhận Bằng Tổ quốc ghi công từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Với tinh thần Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo người có công, gia đình người có công với cách mạng, trong khoảng thời gian từ năm 2016-2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 24,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 6.000 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 121,5 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng...
Đến nay, toàn quốc đã có 9,2 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Việc rà soát tại các địa phương cho thấy, mặc dù có rất nhiều khó khăn, trở ngại do đây là việc chưa từng có tiền lệ, quá trình gian nan đó bước đầu đã được đền đáp bởi những kết quả vô cùng quan trọng và thiêng liêng.
Cụ thể, Bộ đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Ông Đào Ngọc Dung chia sẻ: Trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước. Sau nhiều năm đợi chờ, hy vọng, rồi lại thất vọng, cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.200 gia đình thân nhân liệt sĩ.
"Sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình, hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài" – ông Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, còn rất nhiều việc phải làm hơn nữa, với quyết tâm hơn nữa trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa", đặc biệt đối với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết căn bản song vẫn còn một bộ phận nhỏ đang chờ mong việc xác nhận liệt sĩ do thời gian, các hồ sơ, tài liệu, thông tin ngày càng ít ỏi, quá trình giải quyết ngày càng khó khăn và phức tạp hơn. Bộ trưởng cũng tin tưởng, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao 20 căn nhà tình nghĩa tới người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Đồng thời đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng và một số đối tượng người có công tại Nghệ An.