Công tác cán bộ nữ: Đạt mục tiêu tỉ lệ nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng

Đình Hưng
28/12/2019 - 18:52
Công tác cán bộ nữ: Đạt mục tiêu tỉ lệ nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý các tỉnh thành phải tính toán để có sự sắp xếp, điều động nhằm có thể đạt được mục tiêu tỉ lệ cán bộ nữ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng.

Chiều ngày 28/12, tại tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về công tác phụ nữ gắn với thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 30/5/2019 khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Bình.

Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở cả 3 cấp còn thấp

Theo Ban Dân vận Trung ương, trong thời gian qua, các tỉnh thành ủy khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là các tỉnh thành khu vực) đã nghiêm túc quán triệt triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với Hội LHPN ký kết các chương trình phối hợp, tấp huận, trang bị kiến thức bình đẳng giới.

Về công tác cán bộ nữ, theo đánh giá, các tỉnh thành trong khu vực đã có nhiều cố gắng và đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỉ lệ nữ cấp ủy viên vẫn chưa đạt chỉ tiêu 15% ở tất cả các cấp, nhiều đơn vị không có nữ tham gia Ban thường vụ, không chỉ ở cấp xã mà còn ở cấp huyện và cấp tỉnh. Tỉ lệ bình quân nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ở các tỉnh thành khu vực còn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.

Công tác cán bộ nữ: Đạt mục tiêu tỉ lệ nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng  - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị

Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở cả 3 cấp ở các tỉnh thành khu vực còn thấp, chủ yếu đảm nhận vị trí cấp phó và trong khối Hội đồng nhân dân. Có một số tỉnh không có nữ giữ chức danh bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Có những tỉnh có tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số cao song tỉ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số còn thấp…

Nguồn nhân sự nữ đương nhiệm còn đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới ở cả cấp huyện và cấp tỉnh đều khá cao. Tuy nhiên, ở cấp tỉnh vẫn còn có tỉnh chưa đạt tỉ lệ 15% nữ trong quy hoạch cấp ủy.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, các tỉnh thành khu vực luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với các hoạt động của Hội LHPN, công tác phụ nữ. Nhiều tỉnh có sự quan tâm mang tính chất chiến lược; một số tỉnh thành ủy xây dựng chính sách, chương trình riêng cho phụ nữ, cán bộ nữ.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em còn nhức nhối như vấn đề trẻ em gái không đến trường, một số dân tộc thiểu số có tỉ lệ người dân biết đọc, biết viết còn thấp; tỉ lệ hôn nhận cận huyết thống, tảo hôn còn cao.

Công tác cán bộ nữ: Đạt mục tiêu tỉ lệ nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Về công tác cán bộ nữ, đây là một trong những khu vực tỉ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh tương đối thách thức. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhìn chung còn thấp, ở Hội đồng Nhân dân các cấp vẫn còn nhiều nơi thấp hơn so với trung bình chung của cả nước.

Đặc biệt, năm 2019, trong khi  các chỉ số về đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh đều tăng, kinh tế phát triển nhưng chỉ số bình đẳng giới lại giảm. Chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 17/12 chỉ ra rằng, Việt Nam đứng thứ 87 trong 153 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới, tụt 10 bậc so với năm 2018.

Phấn đấu đạt tỉ lệ cán bộ nữ nhưng phải đủ tiêu chuẩn

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá, nhận thức của các cấp ủy Đảng về công tác phụ nữ ngày càng được nâng cao; qua đó đã thực hiện, triển khai có hiệu quả các công tác liên quan đến vấn đề này. Theo ông Cường, để nhận được sự tin tưởng của cấp ủy, người dân thì đòi hỏi người cán bộ nữ phải sắc sảo, không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Đối với nữ cán bộ trẻ thì phải có một quá trình đào tạo, thử thách.

Ông Hồ Văn Niên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch cán bộ nữ. Những cán bộ trong diện quy hoạch luôn thể hiện trách nhiệm, thái độ tốt trong công việc.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai cũng thừa nhận, việc bố trí sắp xếp cán bộ nữ vào cấp ủy hiện nay còn khó khăn. Việc nhận xét, đánh giá đối với cán bộ nữ có nơi còn khắt khe, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi với chị em phụ nữ. Để đảm bảo được tỉ lệ cán bộ nữ thì cần sự quyết tâm của cấp ủy, người đứng đầu.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn cán bộ nữ. Theo bà Vân, công tác bình đẳng giới đã có sự chuyển biến nhất định, tuy nhiên công tác cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn và mong muốn được sự chia sẻ nhiều hơn từ tổ chức, xã hội, gia đình với người cán bộ nữ để họ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Công tác cán bộ nữ: Đạt mục tiêu tỉ lệ nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng  - Ảnh 3.

Đại biểu tham dự hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về công tác phụ nữ gắn với thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 30/5/2019 khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Bình

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, nhận thức đối với việc phụ nữ tham gia cấp ủy, đào tạo cán bộ trẻ, đồng bào dân tộc ít người ngày càng tích cực hơn. Môi trường để nữ cán bộ trẻ, đồng bào dân tộc phấn đấu có thuận lợi hơn. Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu đối với công tác cán bộ ngày càng cao.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cũng thẳng thắn nhìn nhận không phải ở đâu cũng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác cán bộ nữ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ còn là một điểm còn khó. Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ cũng tự giới hạn mình, bị ràng buộc bởi định kiến giới.

Để làm tốt công tác cán bộ nữ, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục thay đổi nhận thức trong cấp ủy, đại hội và trong xã hội để người phụ nữ khi phấn đấu không bị mặc cảm. Từ đó sẽ tiếp tục có sự chuyển biến về trách nhiệm, quyết tâm của cấp ủy, của người đứng đầu. Các tỉnh thành khu vực quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo cán bộ trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý, các tỉnh thành khu vực cần phải tính toán để có sự sắp xếp, điều động nhằm có thể đạt được mục tiêu tỉ lệ cán bộ nữ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm