Covid-19 không còn là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu”, ứng phó với dịch thế nào?

An Khê
06/05/2023 - 12:03
Covid-19 không còn là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu”, ứng phó với dịch thế nào?

Giám sát hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/5 tuyên bố Covid-19 không còn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất. Tuyên bố của WHO là một thông tin tích cực nhưng cũng là thách thức trong vấn đề cảnh giác trong ứng phó đối với dịch bệnh này.

Dịch Covid-19 đã được kiểm soát

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - cho biết, tình trạng khẩn cấp toàn cầu là một tình huống vượt quá khả năng đáp ứng. WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nữa có nghĩa là so với khả năng đáp ứng của toàn cầu không bị vượt quá, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Nâng cao cảnh giác khi Covid-19 không còn là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng lưu ý, Covid-19 đã trở thành bệnh lưu hành. "Chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện loại bỏ hoàn toàn được Covid -19 mà phải chung sống với nó. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu mọi tác hại của dịch bệnh ở mức thấp nhất. Hiện nay, hệ thống y tế trong nước cũng như thế giới đều đã kiểm soát được dịch bệnh. Hàng năm, sẽ vẫn có những ca mắc nhưng có thể ở mức gây hại ít nhất đối với sức khỏe của người dân và với nền kinh tế xã hội", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Đứng trước những lo ngại sau tuyên bố của WHO, có thể làm tăng tính nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh khi hệ thống phòng ngừa giảm đi, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết, dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở trong nước. 

Nâng cao cảnh giác khi Covid-19 không còn là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Xem xét công bố dịch Covid-19 cấp quốc gia

Thực tế dịch bệnh có tính chất đại dịch thì nguy cơ dịch trên thế giới có liên quan nhiều đến Việt Nam và ngược lại, với Covid-19 cũng vậy. Khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia. 

"Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy vậy, tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Với các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác có thể xảy ra chứ không riêng gì với Covid-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus, miễn dịch giảm nên dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong", TS. Trần Đắc Phu phân tích.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam: "Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế của Covid-19 là một tin luôn được đón chào. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus này. Nhưng đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu rằng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Công bố của ngày 5/5/2023 là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn".

Thời gian qua một số ý kiến so sánh Covid-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A. Theo TS. Trần Đắc Phu, vấn đề này sẽ được hội đồng chuyên môn họp, đánh giá, xem xét. Tuy nhiên ông cũng cho rằng dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ. Dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững; không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân. 

Đồng thời dựa trên những khuyến cáo của WHO trong Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược Covid-19 giai đoạn 2023-2025, được thiết kế để hướng dẫn các quốc gia chuyển đổi sang quản lý Covid-19 lâu dài. Kế hoạch này vạch ra các hành động quan trọng để các quốc gia xem xét cho 5 lĩnh vực: Giám sát hợp tác, Bảo vệ cộng đồng, Chăm sóc an toàn và có thể mở rộng, Tiếp cận các biện pháp đối phó và Phối hợp khẩn cấp.

Tổng Giám đốc WHO cũng ban hành Khuyến nghị tạm thời cho tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm: Duy trì việc tăng năng lực quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê. Lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng trong suốt cuộc đời. Tập hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu giám sát mầm bệnh đường hô hấp đa dạng để cho phép nhận thức tình huống toàn diện. Chuẩn bị cho các biện pháp đối phó y tế được cho phép trong khuôn khổ pháp lý quốc gia để đảm bảo nguồn cung và sẵn có lâu dài. 

Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO lần đầu tiên tuyên bố đại dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 1/2020. Theo dữ liệu mới nhất của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới đã giảm từ mức đỉnh điểm 100.000 người/tuần trong tháng 1/2021 xuống còn 3.500 người/tuần tính đến ngày 24/4/2023.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm