Cứ 7 phút có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống vì bạo hành

Ngự Bình
04/12/2019 - 18:49
Cứ 7 phút có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống vì bạo hành

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em tại Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARNEC) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 6/12 với chủ đề “Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng an toàn và bền vững cho trẻ thơ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, trên thế giới vẫn còn rất nhiều trẻ em phải sống trong khu vực xung đột, cứ 6 trẻ em trên thế giới này thì có 1 trẻ em bị sống trong khu vực có xung đột. Ngay ở những nơi hòa bình không có xung đột, trẻ em vẫn còn không ít em bị thiệt thòi. Trên thế giới này cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành. Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, hàng năm có hàng nghìn vụ xâm hại nghiêm trọng đến trẻ em.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời đại 4.0, để nắm bắt các thời cơ, các quốc gia và cả Việt Nam đều nhận thức rõ vai trò của phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Để trẻ em có thể phát triển toàn diện, quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ, đầy đủ cần sự nỗ lực của không chỉ những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan tới trẻ em; thu hẹp khoảng cách giữa những vùng kém phát triển với khu vực phát triển; trang bị đầy đủ thể chất, kiến thức, tâm lý cho các ông bố, bà mẹ… "Không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn, bị thiệt thòi do khuyết tật, không để em nào không có tuổi thơ trong sáng, không có tương lai. Chỉ có như vậy thế giới mới tiếp tục hòa bình, đất nước mới mãi màu xanh", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng bà Karin Hulshof - Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Đông Á Thái Bình Dươngcác đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng bà Karin Hulshof - Giám đốc UNICEF Đông Á Thái Bình Dương và các đại biểu

Theo bà Karin Hulshof - Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Đông Á Thái Bình Dương, tương lai của trẻ em đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Trên toàn thế giới, con số trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên khắc nghiệt sẽ tăng lên gấp đôi, từ 67 triệu trẻ mỗi năm vào đầu thế kỉ 21 lên đến 175 triệu trẻ mỗi năm trong thập kỷ tới. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng gánh chịu tới 43% tổng gánh nặng bệnh tật do yếu tố môi trường gây ra. Đó là lý do vì sao hội nghị ARNEC năm nay sẽ tập trung vào mối liên quan giữa tác động của biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và sự phát triển của trẻ thơ. Cùng với việc cảnh báo, cần đề xuất các giải pháp dựa trên bằng chứng: Đối phó với hiểm họa biến đổi khí hậu thông qua việc đẩy mạnh các chương trình phát triển trẻ thơ toàn diện có chất lượng và áp dụng khung lý thuyết về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ toàn diện.

Các diễn giả tại hội nghị

Các diễn giả tại hội nghị

Mọi trẻ em cần được chăm sóc nuôi dưỡng để có thể phát triển hết tiềm năng và được trang bị những kỹ năng thiết yếu cho thế kỷ 21.  Nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện không chỉ thúc đẩy sự phát triển về thể chất, cảm xúc, kỹ năng xã hội và nhận thức mà còn bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tác động tiêu cực của nghịch cảnh. "Chúng ta phải hợp tác với nhau một cách khẩn trương để đảm bảo rằng tất cả trẻ em được lớn lên trong một môi trường an toàn và bền vững, để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình", bà Karin chia sẻ. Trong thời gian diễn ra hội nghị, các nhà quản lý, nghị sĩ, chuyên gia xây dựng chính sách, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội cùng nhau thảo luận kiến thức, chia sẻ sáng kiến, bài học, kinh nghiệm đầu tư cho trẻ em. Hội nghị có một buổi làm việc chung đặc biệt giữa các đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các bộ trưởng để chia sẻ kinh nghiệm về luật pháp và chương trình dành cho trẻ em. Thảo luận chuyên sâu về những đe dọa về môi trường đối với trẻ em, những tác động đối với sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, vai trò của các chính sách và sự hợp tác để giải quyết những vấn đề này. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu cùng nhau đưa ra Tuyên bố kêu gọi hành động trong công tác phát triển toàn diện cho trẻ thơ. 

Nguồn: Ảnh: UNICEF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm