pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cụ bà cao tuổi nhất thế giới chiến thắng Covid-19 với chỉ bằng chữa trị tại nhà
Người cao tuổi nhất chiến thắng Covid-19
Cụ Marina Branyas sinh ngày 4/3/1907 tại San Fransisco, Mỹ. Đến năm 1915, cụ trở về quê cha ở Tây Ban Nha sinh sống. Cụ bà Marina có 3 người con và hiện nay, cụ ở thành phố Olot, miền đông Tây Ban Nha.
Tháng 4/2020, cụ bị nhiễm Covid-19 và được các bác sỹ chữa trị thành công ngay tại nhà dưỡng lão Santa Maria del Tura. Những người trên 70 tuổi hay có bệnh nền đều nguy hiểm khi bị lây nhiễm. Do vậy, trường hợp cụ bà Maria đã 113 tuổi có thể phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 là một điều thần kỳ.
Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 trên 100 tuổi đã được điều trị khỏi như trường hợp cụ bà Cornelia Ras, 107 tuổi, người Hà Lan, cụ ông Bill Lapschies, 104 tuổi, người Mỹ và cụ bà Zhang Guangfen, 103 tuổi đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng tất cả đều kém tuổi cụ bà Marina ở Tây Ban Nha.
Cụ Marina cho biết, ngoài những cơn đau không đáng kể, tình hình sức khỏe của mình vẫn ổn, đồng thời gửi lời cảm ơn tới các nhân viên nhà dưỡng lão đã ở bên chăm sóc cụ trong thời gian bị cách ly vì dịch bệnh.
Bà Rosa Moret, con gái cụ Maria chia sẻ với phóng viên rằng, mẹ mình là một người mạnh mẽ và tích cực. Cụ bà Maria bị nhiễm trùng nước tiểu trong khi bị mắc Covid-19, song lại hầu như không có triệu chứng của mắc bệnh. Bà Rosa tiết lộ: "Mẹ tôi rất buồn chán với việc bị cách ly trong phòng. Lần gần nhất, chúng tôi có chuyến thăm mẹ là vào dịp sinh nhật lần thứ 113 trước khi cụ bị cách ly vì dịch bệnh. Hiện tại, mẹ tôi đã ổn hơn rất nhiều. Bà đã vui vẻ nói chuyện và trở lại là chính mình".
Bà Rosa đã lập một tài khoản cá nhân Twitter cho cụ Maria để cụ chuyện trò, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau khi vượt qua dịch bệnh. Tinh thần của cụ Maria rất vui vẻ, lạc quan và hiện giờ, cụ đã sẵn sàng gặp lại những người thân của mình.
Tấm gương sáng về tinh thần vượt khó
Thế giới ngưỡng mộ sự dẻo dai của cụ bà Maria, nhưng với những người thân của cụ bà 113 tuổi này, họ không ngạc nhiên. Cuộc đời của cụ Maria trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng cụ đều dũng cảm vượt qua. Cha của cụ Maria vốn là phóng viên, ban đầu ông hành nghề ở thành phố Navarra phía bắc Tây Ban Nha. Sau đó, ông chuyển tới làm việc cho tạp chí Mercurio ở Hoa Kỳ. Năm 1915, khi ấy cụ bà Maria mới chỉ là cô bé 8 tuổi, cùng cha trở về quê hương Tây Ban Nha bằng tàu biển. Không may, trên đường về, người cha của cụ Maria qua đời vì bệnh lao và bị ném xuống biển (sợ lây nhiễm).
Trở về quê cha sinh sống, cụ bà Maria đã sống sót trước cơn bão đại dịch cúm Tây Ban Nha càn quét thế giới trong các năm 1918, 1919 khiến hơn 50 triệu người chết. Rồi các cuộc chiến tranh Thế giới Thứ nhất (1914-1918) và Thế giới Thứ hai (1939-1945), cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939) cũng không thể khiến cụ Maria gục ngã. Cụ Maria đã sống ở rất nhiều thành phố của xứ Catalonia như Barcelona, Banyoles, Girona, Calonge i Sant Antoni, Palol de Revardit…
Trong 2 thập kỷ gần đây, để tránh phiền hà cho các con, cháu, cụ Maria chọn nhà dưỡng lão là nơi sinh sống. Cụ từng kết hôn với bác sỹ Joan Moret vào năm 1931 và hiện nay, cụ có 3 người con, 11 người cháu (trong đó có 1 người đã 70 tuổi) và 13 người chắt. Cụ Maria tiết lộ, bí quyết để cụ có thể sống lâu là sống vui vẻ, lạc quan là không hút thuốc và đi bộ đều đặn.
Điều kiện sinh sống và chữa trị bệnh tật ở các nhà dưỡng lão không thực sự tốt. Tính đến nay, chỉ riêng tại nhà dưỡng lão Santa Maria del Tura cũng đã có 17 trường hợp tử vong vì mắc Covid-19. Tiến sỹ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, đã công bố số liệu trong một cuộc họp báo hồi tháng 4 cho thấy, gần một nửa số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Âu là các ca bệnh trong các nhà dưỡng lão. Vậy mà cụ bà Maria vẫn không hề hấn gì, đó quả là một nỗ lực rất đáng ngưỡng mộ.
Theo thống kê của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến nay, Tây Ban Nha có hơn 270.000 ca mắc Covid-19, trong đó, hơn 27.000 trường hợp đã tử vong.