Cúm A không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi

An Khê
09/01/2020 - 15:05
Cúm A không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi
Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường khiến cho dịch cúm A lại được dịp bùng phát. Đối với những thai phụ, việc mắc cúm A vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn dễ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Cúm A rất dễ lây lan

Bác sĩ Trần Quang Trung - Trung tâm Sức khỏe sinh sản Hà Nội cho biết, bệnh cúm A do cơ thể nhiễm virus cúm A (H1N1), một loại virus cúm được phát hiện vào năm 2009, còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn.

Cúm A không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi - Ảnh 1.

Đối với những thai phụ, việc mắc cúm A vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn dễ ảnh hưởng xấu đến thai nhi- Ảnh: Kiều Trang

Virus cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A.

Đặc điểm để nhận biết cúm A: những người mắc Cúm A có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh. Tỷ lệ mắc thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch. Virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70oC.

Cúm A không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi - Ảnh 2.

Các biểu hiện xuất hiện khi mắc cúm A là nhức đầu, sốt thường trên 38oC và ớn lạnh, đau viêm họng, đau mình và nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi và suy nhược, tiêu chảy và ói mửa

Virus cúm A tồn tại khá lâu ngoài môi trường, khoảng 1 đến 2 giờ tại các bề mặt hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa, mặt tủ... Trong quần áo tồn tại từ 8 -12 giờ. Có thể duy trì trong lòng bàn tay đến 5 phút. Môi trường nước là môi trường thích hợp cho virus này tồn tại. Đặc biệt, môi trường hồ bơi khách sạn, thời tiết mưa dầm, thiếu nắng... là môi trường thích hợp để chúng hoạt động mạnh hơn.

Các biểu hiện xuất hiện khi mắc cúm A là nhức đầu, sốt thường trên 38oC và ớn lạnh, đau viêm họng, đau mình và nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi và suy nhược, tiêu chảy và ói mửa.

Bệnh cúm đối với người bình thường đã đáng ngại, với bà bầu thì lại càng phức tạp hơn. Vì virus cúm có thể gây một số tác hại đối với thai nhi, nhất là những trường hợp không có biện pháp điều trị bệnh phù hợp.

Nguy hiểm với "bà bầu"

Các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai, trong đó có bệnh cúm. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Phụ nữ mang thai do có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt, do có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch của thai phụ bị suy giảm nhiều so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi, cơ thể thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Ở phụ nữ mang thai, khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng thường kéo dài hơn...

Một nguy cơ của bệnh cúm đó là có thể dẫn đến viêm phổi do virus. Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu oxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó, viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều.

Chị Trần Thị An, một phụ nữ mang thai 4 tháng cho biết, con gái chị năm nay lên 5 tuổi, đợt này thời tiết thất thường nên bé bị cúm (nghi cúm A vì đang dịch) phải nghỉ học. Chị An vẫn phải chăm sóc con hàng ngày. Chị lo lắng không biết có bị lây cúm từ con không và mức độ nguy hiểm của virus cúm như thế nào đối với phụ nữ mang thai.

Theo bác sĩ Trần Quang Trung, nếu gia đình có người đang bị cúm thì nên đưa đến cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị phù hợp. Bệnh cúm A có khả năng lây nhiễm cao nên cần thiết phải trao đổi với người thân chăm sóc bé, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với bé trong thời gian này. Để xác định mẹ bầu đã bị lây chưa thì phải đến cơ sở y tế khám, làm xét nghiệm khi đó mới chẩn đoán được.

Cúm A không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi - Ảnh 3.

Cần bổ sung dinh dưỡng, cân đối 4 thành phần đó là chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin... để ngăn ngừa nhiễm virus cúm

Trong trường hợp phụ nữ đang có thai mà nhiễm cúm (hiện tại đang dịch, không loại trừ cúm A) thì phải đến cơ sở Y tế sản khoa khám trực tiếp, siêu âm, làm xét nghiệm chẩn đoán trước sinh để đánh giá tình trạng thai khi đó mới có hướng xử trí phù hợp được.

Khi bị nhiễm cúm A, phải rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi; Sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

Bên cạnh đó, cần ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, cân đối 4 thành phần đó là chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin... để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm