pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính thân thiện với phụ nữ
Nhằm sơ kết, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam", ngày 10/12, TW Hội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức buổi họp Ban điều phối chung lần 2 của Dự án.
Tại buổi họp, bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hội là một tổ chức tích cực trong các hoạt động tài chính vi mô, vay vốn, hỗ trợ các hoạt động sản xuất của phụ nữ nghèo, yếu thế.
Bên cạnh đó, Hội còn tập trung nhiều hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ làm việc trong các hợp tác xã, trong các chuỗi giá trị liên kết. Với cách tiếp cận đa dạng như vậy, dự án thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới là hướng đi cần thiết thúc đẩy người phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế.
Kéo dài từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021, Dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam" nhằm thúc đẩy việc phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ thuộc lớp đáy Kim tự tháp (Base of the Pyramid) thông qua việc tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính (FSPs) nhằm hướng tới việc tăng cường tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới (GRFI) tại Việt Nam.
Dự án hướng đến việc xây dựng một bản báo cáo, trong đó mô tả thiết kế, phương pháp luận và quy trình phát triển các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu giới cũng như các bài học và khuyến nghị về việc thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới. Mặt khác, năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các FSP trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới được tăng cường thông qua các dự án thí điểm, tập huấn, hội thảo và quá trình xây dựng các khuyến nghị.
3 FSP đối tác được lựa chọn để đạt mục tiêu xây dựng và cung cấp các sản phẩm thân thiện với phụ nữ và thúc đẩy GRFI phát triển là Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa, Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Riêng Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa đã thiết kế và triển khai sản phẩm tiết kiệm cao niên phúc lộc nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm để chủ động về tài chính và không phụ thuộc vào con cái khi về già. Thực hiện dịch vụ nhắn tin tự động, hướng tới áp dụng mobibanking, internet banking nhằm mang lại sự thuận tiện, tính linh hoạt, giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng; tăng quy mô, thu nhập, giảm chi phí quản lý cho tổ chức.
Sau chuyến học tập tại Colombia tháng 9/2019, các thành viên đoàn đã cùng thống nhất rằng Colombia có nhiều sáng kiến thúc đẩy tài chính toàn diện của mà đoàn Việt Nam có thể tham khảo.
Để áp dụng tại Việt Nam, về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tham mưu chiến lược tài chính toàn diện, trong đó phụ nữ là một trong những đối tượng mục tiêu. Đại lý ngân hàng, giáo dục tài chính, ứng dụng công nghệ... là những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện chiến lược.
Còn về phía Bộ Tài chính, cần thúc đẩy cung bảo hiểm vi mô từ các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của người dân. Đồng thời, thúc đẩy cầu bảo hiểm vi mô từ đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng dễ bị tổn thương.
Bàn về điều này, Phó Chủ tịch Thu Thảo nhấn mạnh, sắp tới, Hội và phía bảo hiểm sẽ bàn bạc để tổ chức buổi hội thảo gặp gỡ rộng rãi các doanh nghiệp bảo hiểm để bàn đến gói giải pháp tốt nhất hỗ trợ cho phụ nữ.