pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cùng chị em giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Mường
Câu lạc bộ "Dân ca, dân vũ dân tộc Mường" thu hút trên 30 thành viên tham gia
Chị là giáo viên trường TH&THCS Lâm Sơn, công việc giảng dạy bận rộn nhưng chị rất tích cực tham gia các hoạt động và phong trào phụ nữ tại địa phương. Chị tham gia sinh hoạt Hội từ năm 1999, gắn bó với Hội và chị em hội viên đã hơn 20 năm qua.
Chi hội Phụ nữ tiểu khu Đồng Bái là một trong ba tiểu khu có số dân cư chủ yếu là người dân tộc Mường. Xong, hiện nay, đa số người dân địa phương không sử dụng tiếng Mường trong giao tiếp hằng ngày nữa, kể cả trong gia đình, nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc Mường đang ngày càng mai một. Trong điều kiện thị trấn Lương Sơn đang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng trở thành đơn vị hành chính cấp Phường. Tên xóm Đồng Bái, đã được chuyển thành tiểu khu Đồng Bái. Việc phát huy, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường là vô cùng quan trọng. Trước thực trạng đó, chị đã cùng bàn bạc với cán bộ Chi hội Phụ nữ Tiểu khu Đồng Bái xây dựng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Dân vũ, dân ca dân tộc Mường.
Khi bắt đầu triển khai, Chi hội gặp không ít khó khăn, một số chị em phụ nữ chưa đồng thuận do phải đi làm, không có thời gian rảnh. Nhưng không vì thế mà nản chí, chị Thoa đã cố gắng thuyết phục, giảng giải cho chị em về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường.
Chị gặp gỡ các bậc tiền bối, người già có uy tín trong tiểu khu trình bày nguyện vọng của Chi hội và được hướng dẫn, truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu nhảy, điệu múa dân tộc Mường. Bằng sự tích cực, nhiệt tình tuyên truyền, vận động của chị và cán bộ Chi hội, cùng với sự hướng dẫn của Hội LHPN thị trấn Lương Sơn, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chị đã cùng cán bộ Chi hội Phụ nữ Tiểu khu Đồng Bái xây dựng văn bản thành lập CLB "Dân vũ, dân ca dân tộc Mường". Ban đầu mới thành lập, CLB gồm có 16 thành viên là hội viên phụ nữ có hiểu biết và năng khiếu về bản sắc văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.
Đến nay, qua gần một năm hoạt động, CLB đã thu hút trên 30 thành viên tham gia, thành viên cao tuổi nhất 82 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất 11 tuổi.
Với hoạt động chính là tổ chức cho các thành viên cùng nhau trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tập luyện các làn điệu dân ca, các truyền thống văn hóa dân tộc Mường, các điệu nhảy dân vũ, các tiết mục văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; Truyền dạy cho các thế hệ sau những làn điệu dân ca Mường; Cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về kế thừa, phát huy, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chị Thoa cho biết, việc thành lập được CLB đã khó, nhưng duy trì hoạt động của CLB như quy chế đã đề ra còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của cá nhân tại trường, chị Thoa không quản ngày đêm cùng các thành viên trong CLB tìm hiểu, xây dựng lại và cùng các thành viên tập luyện, học tập từ học hát, học múa, học đánh cồng chiêng, đến học nói tiếng Mường, học các truyền thống văn hóa khác của dân tộc Mường...
Đến nay, các tiết mục văn hóa, văn nghệ của CLB đã được chính quyền địa phương ghi nhận, mời biểu diễn trong các sự kiện văn hóa quan trọng, được nhân dân địa phương yêu thích.
Đó cũng là động lực giúp chị Thoa và các chị em thêm hứng khởi và tận tụy hơn với công việc lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống xứ Mường.