pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cuộc chiến bất khuất" của người phụ nữ 25 năm chống chọi với ung thư vú
Bà Nguyễn Thị Bích Đông (giữa) và chị em trong CLB Phụ nữ kiên cường Hà Nội
Cuộc chiến đẫm nước mắt
Năm 1999, bà Đông phát hiện ung thư vú giai đoạn 3. Có lẽ, đã quá lâu để bà nhớ lại những khoảnh khắc khi nghe tin sét đánh ấy. Nước mắt có, suy sụp có, tuyệt vọng cũng có, nhưng rồi bà biết cuối cùng mình vẫn phải đối mặt với nó.
Mổ cắt vú phải, vét hạch nách, trong đó có 5/20 hạch di căn, truyền hóa chất 12 mũi, uống thuốc nội tiết, đó là một cuộc hành trình dài đầy đau đớn và lo âu. Những ngày tháng bê bết trên giường bệnh khiến bà hiểu ra, muốn chiến thắng thì phải lạc quan và nâng cao thể lực. Vì thế sau đợt điều trị, bà bắt đầu tập thể dục và tăng cường làm kinh tế, song song với đó là tham gia câu lạc bộ khiêu vũ để sống vui vẻ, lạc quan cùng bè bạn.
Không chỉ bị ung thư, bà Đông còn bị hở van tim và chứng run vô căn. Mặc dù vậy, bà không chịu đầu hàng, bà say sưa luyện tập, đẩy lùi căn bệnh suốt nhiều năm.
Đến năm 2018, bà tiếp tục bị di căn vú trái. Cuộc hành trình đau đớn lặp lại sau gần 20 năm, bà lại tiếp tục truyền hoá chất, mổ cắt vú trái, vét hạch nách, xạ trị 36 mũi. Tưởng vậy là xong, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bà bị di căn u ngực phải. Lại phải truyền hóa chất và mổ bóc u, sau đó bà còn phải mổ 2 lần bóc hạch.
"Bác sĩ nói tôi bị di căn tiến triển phải điều trị suốt đời. Khi hoá chất hết tác dụng, hạch trung thất, rốn phổi và hạch thượng đòn to ra, chèn ép gây đau tức, bác sĩ lại thay hoá chất và phác đồ điều trị mới", bà Đông cho biết.
Khủng khiếp hơn, từ khi bị di căn, bà đã điều trị qua 5 loại hoá chất, hiện nay đang điều trị loại thứ 6. Trải qua 5 lần phẫu thuật, hàng trăm đợt truyền với 36 mũi xạ trị, để lại nhiều tác dụng phụ của từng loại hoá chất khác nhau như bạch cầu hạ sâu, tiểu cầu hạ sâu, rối loạn tiêu hoá, bong chảy máu niêm mạc răng lợi sạm, đen bong lột niêm mạc bàn tay chân, rụng tóc, hạ hồng bạch cầu. Độ run của cơ thể ngày một tăng lên và đặc biệt là cẳng tay phải bị teo, các ngón bàn tay phải liệt không gập nắm được.
"Đôi lúc tôi thấy sống thật đau đớn và mệt mỏi, tôi muốn bỏ cuộc, yên bình nằm xuống, nhưng rồi tôi nghĩ bên mình còn có gia đình, chồng, con, những anh em bè bạn và người thân luôn yêu thương, chăm sóc tôi. Vì thế, tôi nhất định phải cố gắng chiến đấu và nhủ lòng phải chiến thắng", bà Đông chia sẻ.
Được sống mỗi ngày trên đời là một đặc ân
Suốt mấy năm lăn lóc ở bệnh viện, bà Đông từng thấy mình quá khổ, nhưng bà cũng nhận ra nhiều người còn khổ hơn. Họ không có tiền để chi trả cho các bữa ăn, chờ nhận những suất ăn từ thiện. Bởi thế, bà cho rằng, được sống mỗi ngày trên đời là một đặc ân và bà phải sống sao cho rực rỡ.
Năm 2020, bà tham gia CLB Phụ nữ kiên cường Hà Nội. Ở đây, bà nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ từ chị em đồng bệnh. Họ luôn động viên, khích lệ để nâng bước chân nhau trong cuộc chiến với căn bệnh quái ác. Tại nơi đây, bà cũng học thêm nhiều tấm gương rất kiên cường. Có chị di căn vào xương đã mấy năm, có chị bị 3 loại ung thư vẫn sống rất lạc quan, yêu đời.
"Tôi xốc lại tinh thần và tự nhủ hãy kiên định để điều trị với phương châm vui một ngày là lãi một ngày và khi nào bác sĩ bó tay thì mình mới buông tay. Có bác sĩ đã nói với tôi "Tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật và ý chí kiên cường của cô là động lực giúp chúng cháu trong công cuộc chữa bệnh và nghiên cứu khoa học để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân", bà Đông kể.
Bà Đông mong muốn truyền năng lượng vô tận của mình đến với những bệnh nhân ung thư: Hãy tiếp tục tin tưởng, lạc quan và kiên định. Đặc biệt là phải có cách sống lành mạnh, nâng cao thể lực, sức khỏe để tăng cường miễn dịch, chiến thắng bệnh tật.
Không chỉ tự mình chiến đấu với căn bệnh, bà Đông còn đồng hành cùng nhiều bệnh nhân ung thư để chia sẻ với họ bữa cơm, đồng quà, tấm bánh. Gặp những bệnh nhân ung thư không có tiền lo bữa ăn, bà sẵn sàng tặng 500 ngàn, 1 triệu đồng để họ lo ăn vài ngày. Vào thang máy gặp những cháu nhỏ trọc đầu, chân tay teo tóp, bà thấy lòng mình nặng trĩu. Dịp Tết vừa qua, bà đã tặng hơn 10 suất quà cho các em nhỏ ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều, 3 suất cho bệnh nhân ung thư là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù giá trị chỉ hơn 1 triệu đồng/suất nhưng cũng phần nào sẻ chia với những người đồng bệnh khó khăn.
Hành trình điều trị ung thư của bà Nguyễn Thị Bích Đông là một cuộc hành trình dài đi qua hơn 2 thập kỷ đầy gian nan và đau đớn, nếu gọi nó là một cuộc chiến thì hẳn là một cuộc chiến khốc liệt với hàng nghìn cơn đau hành hạ thân xác. Thế nhưng bà đã và đang vượt qua nó và tiếp tục chiến đấu không ngừng với căn bệnh nan y, quyết không lùi bước.