Cuối năm, nhiều nữ công nhân lại “đau đầu” trước câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”

Hoài Thương
13/01/2020 - 16:08
Cuối năm, nhiều nữ công nhân lại “đau đầu” trước câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”
Đặc thù công việc hay tăng ca, nhiều nữ công nhân không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần, tìm kiếm tình yêu hay tìm hiểu bạn đời. Vậy nên, mỗi dịp cuối năm, khi nhà nhà đoàn tụ, nhiều người con gái ngấp nghé tuổi 30 lại áp lực trước câu hỏi: "Bao giờ lấy chồng?".

Mấy năm gần đây, cứ vào dịp cuối năm, chị Nguyễn Thanh Hằng, công nhân Công ty Pouyuen (Bình Tân, TPHCM) ngại về quê hoặc nếu có thì chị chờ ngày cận Tết mới đón chuyến xe muộn nhất rồi về miền Tây với cha mẹ. Chẳng phải vì lưu luyến cái ồn ào và tấp nập nơi phố thị, chị nói rằng mình sợ những cái Tết với đủ thứ áp lực đang chờ đợi ở quê nhà, khi chị đã bước sang tuổi 35 nhưng vẫn còn độc thân.

Chị Hằng lý giải rằng, sau cả tuần làm việc căng thẳng, chị chỉ muốn dành trọn ngày chủ nhật để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng cho một tuần làm việc mới. Cứ thế, chị Hằng bị cuốn theo vòng xoáy công việc, đến khi ngoảnh lại đã thấy tuổi xuân trôi qua vội vã lúc nào chẳng hay. Chị Hằng tâm sự: "Mỗi khi thấy bạn bè cưới hỏi, mình cũng cảm thấy nôn nao với hạnh phúc mà họ đang có. Thế nhưng duyên nợ chưa đến thì đành phải chịu. Chỉ mệt mỏi khi cuối năm về quê thì người nhà lại hối thúc chuyện chồng con".

Công nhân lúc tan ca. Ảnh minh họa

Công nhân lúc tan ca. Ảnh minh họa

Cũng như chị Hằng, chị Nguyễn Huyền Trân (sinh năm 1988) đang làm tại Công ty FAPV - Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) vẫn chưa tìm được người phù hợp để xây dựng gia đình. Không phải vì chị Trân "kén cá chọn canh" mà chỉ đơn giản vì chị không có thời gian để tìm hiểu một mối quan hệ. Vậy nên, dù đã hơn 30 mùa xuân trôi qua, chị vẫn lẻ bóng một mình. Chị Trân cho biết, mỗi dịp cuối năm chị thường về quê ăn đoàn tụ cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, sáng 30 Tết chị đều dậy sớm phụ mẹ nấu cỗ cúng ông bà tổ tiên, tối cùng đón giao thừa và đi chùa xin lộc đầu năm.

Riêng năm nay, chị sẽ đón năm mới một cách khác hơn khi đăng ký với công ty sang Nhật làm việc để nâng cao tay nghề - mà công việc chỉ là một phần lý do. Phần lớn hơn là vì chị muốn trốn tránh những câu hỏi về xây dựng gia đình của mọi người. "Nói về việc lập gia đình thì ba mẹ mình không hối thúc gì, nhưng ông bà nội ngoại cứ nhắc hoài. Chắc tại thương và sốt ruột cho cô cháu gái nên cứ mỗi lần mình về nhà, ông bà lại bảo: "Coi anh nào vừa mắt tí thì cưới đi, rồi sinh cháu cho ba mẹ mày giữ". Mà việc lấy chồng, đâu phải muốn lấy là lấy được ngay. Vậy nên, năm nay mình trốn luôn ở Nhật để khỏi bị mệt mỏi tinh thần", chị Huyền Trân dí dỏm kể.

Với tính cách lạc quan, chị Trân quan niệm "thà lấy chồng muộn chứ không lấy nhầm chồng", không vì sự hối thúc của gia đình mà chọn bừa hạnh phúc cho riêng mình. Thay vào đó, nhờ chưa vướng bận chồng con, chị có nhiều thời gian cho việc trau dồi ngoại ngữ để trở thành một công nhân "cao cấp", dành nhiều thời gian để hưởng thụ cuộc sống và chăm sóc bản thân. Chị cho rằng, chuyện tình cảm cần phải để tự nhiên mới có thể vững bền.

"Tôi không muốn vì lớn tuổi mà cưới vội một người hay cưới mà không có tình yêu. Bây giờ hiện đại rồi, tôi có nhiều cách mang lại niềm vui riêng cho mình như đi du lịch, học khóa học gì đó. Người lớn có hối thúc thì cười cho qua chuyện thôi", chị Trân cho hay.

Còn đối với công nhân Nguyễn Thị Ngọc Dung (quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp), cô chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, lên thành phố làm việc để phụ giúp bố mẹ ở quê. Hiện cô cũng đã có người yêu nhưng nhắc đến việc lập gia đình thì Dung vẫn còn e dè, ngần ngại. Ngọc Dung chia sẻ: "Cuối măm em chỉ mong công ty thưởng nhiều nhiều tí để về trang trải thêm cho gia đình. Mỗi tháng em thu nhập được 5 triệu đồng, nếu tăng ca đến 9 giờ tối thì được 7 triệu đồng. Số tiền chỉ vừa đủ để em trang trải cuộc sống và phụ lo cho gia đình. Nhiều bạn bè của em đã lập gia đình và sinh con nhưng em tính đợi thêm 2 năm nữa, khi mà thu nhập đã ổn hơn, có thể lo cho gia đình nhỏ. Lúc đó, duyên còn thì nhận, duyên đi thì đành chịu. Nếu bây giờ lập gia đình rồi 2 vợ chồng ở đây thì sẽ rất chật vật vì chi phí đắt đỏ, còn về quê thì sợ không có việc làm".

Cuối năm, nhiều nữ công nhân lại “đau đầu” trước câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (phải, quê Cao Lãnh, Đồng Tháp) chưa muốn lập gia đình vì thu nhập mới đủ trang trải cho cuộc sống của bản thân

Câu chuyện của Hằng, của Trân hay Dung cũng là tình cảnh chung của không ít những nữ công nhân mỗi dịp cuối năm. Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức, nhưng thực tế có thể thấy tỷ lệ nữ công nhân chưa lập gia đình ở độ tuổi ngoài 30 ngày càng nhiều. Ngoài nguyên nhân do tính chất công việc thường xuyên phải tăng ca, môi trường làm việc có tỷ lệ lao động nữ cao gấp nhiều lần nam giới cũng là một hạn chế khiến các nữ công nhân khó có cơ hội tìm kiếm bạn đời. Mặc dù đây là điều không ai mong muốn nhưng tình trạng độc thân kéo dài và áp lực lập gia đình đã khiến họ tìm cách né tránh gia đình dịp sum vầy.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm