Cứu bà bầu mang Hội chứng Truyền máu song thai

Linh Trần
04/08/2022 - 15:52
Cứu bà bầu mang Hội chứng Truyền máu song thai

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bà bầu và thai nhi

Tại BV địa phương, thai phụ được xác định mắc Hội chứng Truyền máu song thai, một hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra. Tuy nhiên, các bác sĩ đã truyền máu, cứu cả mẹ và thai nhi.

Ngày 4/8, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ của BV vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật can thiệp bào thai, chữa khỏi hội chứng truyền máu song thai cho thai phụ Nguyễn Thị H. (trú tại Nghệ An). 

Theo hồ sơ bệnh án, khoảng 2 tuần trước, sau khi được các bác sĩ tại Nghệ An chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai, chị H. được chỉ định ra BV Phụ sản Hà Nội gấp. Nguyên nhân là bởi một thai cho máu dẫn đến thiếu máu, túi ối bó chặt, không thấy nước tiểu trong bàng quang; thai còn lại nhận máu làm cho túi ối căng phồng (đa ối), chèn lên ngực khiến bệnh nhân không thở được.

Tại BV Phụ sản Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị can thiệp bào thai của BV và ekip thực hiện phẫu thuật nội soi vào bào thai chặn lại các đường truyền máu.

Hiện tại, sau khi can thiệp, 2 thai đã phát triển trở lại bình thường, thai cho máu đã có nước ối, bàng quang đã chứa đầy nước tiểu, thai nhận đã hết đa ối. Bụng mẹ mềm và không còn hiện tượng khó thở, 2 thai đều phát triển rất tốt và cân nhau.

Theo các bác sĩ, Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) hay còn gọi là Twin-twin transfusion syndrome xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng chia sẻ một bánh nhau.

Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong trường hợp có hiện tượng kết nối mạch máu bất thường được hình thành trong nhau thai và tình trạng máu phân phối không được đồng đều ở giữa các thai nhi xảy ra. Điều này dẫn đến một em bé mà đứa trẻ sinh đôi này được gọi là thai nhi cho, sẽ truyền máu qua các động mạch đến bánh nhau, không nhận được đủ lượng máu có chứa chất dinh dưỡng và oxy trở lại từ bánh nhau thông qua tĩnh mạch.

Trong khi đó, đứa trẻ còn lại là thai nhi nhận, sẽ được nhận nhiều máu thông qua tĩnh mạch hơn, so với lượng máu mà em bé còn lại truyền đi thông qua các động mạch. Do đó, thai nhi cho sẽ thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiếu oxy, cũng như chất dinh dưỡng. Trong khi đó, thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả 2 thai nhi. Hội chứng truyền máu song thai do sự nối các động mạch và tĩnh mạch dẫn đến sự mất cân bằng huyết động giữa thai cho và thai nhận. 

Khi mắc hội chứng truyền máu song thai, nếu không được điều trị thì 90-100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề. Tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra. Hậu quả khi mắc hội chứng truyền máu song thai là đẻ non; nhiễm trùng ối; suy tim thai nhận, do bị suy tim nên thai nhận sẽ chết; Thiếu máu, thiếu oxy thai cho dẫn tới chết do suy bánh rau hoặc do thiếu máu mãn; Nguy cơ tổn thương hệ thần kinh là 25% cho thai còn lại.

Theo PGS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội: Đối tượng nguy cơ mắc phải hội chứng truyền máu song thai là những người mẹ mang đa thai và có một bánh nhau. Thai phụ mang song thai có thể phát hiện được sớm trong khi mang thai, nhờ việc siêu âm thường xuyên. Do đó, bà bầu cần phải thường xuyên siêu âm trong suốt thai kỳ để kiểm soát được kích thước và tình trạng sức khỏe của cặp thai nhi trong bụng.

Hội chứng truyền máu song thai là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp để có các phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu điều trị vẫn là giúp cho thai phụ mang thai an toàn và khỏe mạnh cho đến khi cả hai thai nhi đều có thể ra đời một cách an toàn. Tuy nhiên, điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II - IV Quintero tuổi thai 16 - 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu trong điều trị hội chứng truyền máu song thai.

Được biết, BV Phụ sản Hà Nội là BV công đầu tiên trong cả nước tiến hành kỹ thật mới này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm