pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cứu sống bệnh nhân nguy kịch sau 3 lần xuất huyết tiêu hóa
Khoảng 1 năm trước, bà P.T.L (72 tuổi, ngụ TP.HCM) được phẫu thuật cắt u tụy tại một bệnh viện ở Hà Nội. Quá trình theo dõi sau phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bị phình giả động mạch tá tràng. Bệnh nhân được khuyên vào bệnh viện để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do cảm thấy không quá đau nên bà L. không điều trị tiếp.
Trước Tết Nguyên đán 2020, bà L. 2 lần liên tiếp bị xuất huyết tiêu hóa nặng, ngất xỉu, phải điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM. Mới đây, bệnh nhân tiếp tục bị xuất huyết tiêu hóa nặng và nhập viện Bệnh viện Thống Nhất.
Thực hiện các phương pháp chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị túi phình giả động mạch tá tràng rất lớn, đường kính lên đến 7cm đã vỡ vào trong ruột non gây xuất huyết.
Bác sĩ Đỗ Kim Quế, khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực - Bệnh viện Thống Nhất cho biết, so với 2 lần bị xuất huyết tiêu hóa trước, lần thứ 3 bệnh nhân bị rất nặng. Nếu tiếp tục bị xuất huyết thêm lần nữa bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi can thiệp, bệnh nhân đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường và hết đau bụng, sức khỏe cải thiện tốt.
Hàng năm, Bệnh viện Thống Nhất tiến hành phẫu thuật mạch máu cho khoảng 50 trường hợp phình động mạch chủ, hơn 150 trường hợp tổn thương các mạch máu ngoại biên, 50-70 trường hợp bệnh lý động mạch cảnh.
Theo bác sĩ, các dạng bệnh lý phình động mạch, đặc biệt là phình động mạch bụng rất nguy hiểm nhưng có thể phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị sớm. Do đó, bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Bệnh nhân có các bệnh nền khác cần khám định kỳ hàng tháng và tuân thủ điều trị để giảm nguy cơ biến chứng nặng. Đặc biệt, bệnh nhân nên tuân thủ y lệnh và lời khuyên của bác sĩ, không nên chủ quan dẫn đến tình trạng bệnh xấu hơn, khó can thiệp.