Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cung nhà ở cho thuê, cho thuê nhà suốt đời với người thu nhập thấp

H. Hòa
28/10/2024 - 11:46
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cung nhà ở cho thuê, cho thuê nhà suốt đời với người thu nhập thấp

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại nghị trường sáng 28/10/2024, một số đại biểu Quốc hội nhận định giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở; đồng thời đề nghị cần tăng cung nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp, để họ có thể thuê nhà suốt đời.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, nhận định: Điều nổi cộm nhất hiện nay là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở, đồng thời thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản.

Đại biểu lý giải, giá bất động sản cao bất thường do người mua bất động sản để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm; bên cạnh đó, các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất: Yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại; Thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.

Về phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng tích lũy để mua nhà, thậm chí không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng. Đại biểu đề nghị cần tăng cung nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp, để họ có thể thuê nhà suốt đời và chuyển sang mua nhà thương mại khi đủ điều kiện.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cung nhà ở cho thuê,  cho thuê nhà suốt đời với người thu nhập thấp- Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận

Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thực tế thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích. Cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. 

Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, một trong những giải pháp giảm giá thị trường bất động sản đó là trái phiếu bất động sản. Hiện nay, trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12-15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. 

Vì vậy, thời gian tới thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và đúng hướng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cung nhà ở cho thuê,  cho thuê nhà suốt đời với người thu nhập thấp- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Về các chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đối với người mua, thuê mua NOXH, hình thức hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để các đối tượng vay để mua nhà ở xã hội là hình thức hỗ trợ thiết thực và mang tính khả thi cao hơn so với các hình thức hỗ trợ vay vốn khác, góp phần kích cầu tiêu dùng cho phân khúc nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, việc xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế TNCN) còn nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà; một số quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương thiếu chặt chẽ nên gây khó khăn khi triển khai, thời gian thực hiện kéo dài.

Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển NOXH. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khó thực hiện dẫn đến chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khó tiếp cận. Chất lượng nhà ở xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tâm lý nhà ở xã hội gắn với nhà ở có chất lượng thấp, phân biệt loại hình nhà ở xã hội với nhà ở thương mại.

Đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.

Về nhà ở xã hội, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm