pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động nữ mong muốn có thêm trường mầm non, cây ATM và được hỗ trợ nhà ở xã hội
PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội - phát biểu khai mạc Hội thảo
An sinh xã hội là một vấn đề được toàn bộ hệ thống chính trị quan tâm và nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã xác định 4 trụ cột của vấn đề này, gồm: chính sách tạo việc làm và giảm nghèo; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách trợ giúp xã hội; và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Người lao động làm việc tại các khu công nghiệp là một trong những đối tượng quan trọng nhất của các chính sách an sinh xã hội. Vai trò của an sinh xã hội hết sức quan trọng trong việc đảm bảo các phúc lợi xã hội, trợ giúp kịp thời cho người lao động trong các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.
Những thông tin này được đề cập trong Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" do Viện Thông tin Khoa học Xã hội tổ chức ngày 30/9 tại Hà Nội. Hội thảo đã chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện FNF Việt Nam.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm làm rõ thực trạng an ninh công việc, vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 80 khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo việc làm cho một lực lượng lớn làm việc tại khu công nghiệp. Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê, riêng quý III/2023, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là 2 vùng có tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước (chiếm 3,02%). Phân tích giới tính cũng cho thấy rằng tỷ lệ lao động nữ trong 5 năm trở lại đây đa phần là cao hơn so với lao động nam.
Như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung là một vấn đề rất cấp thiết, cần được quan tâm hơn. Đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030.
Theo nghiên cứu được thực hiện tại 2 khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) và Thạnh Lộc (Kiên Giang) trong 2 tháng 8, 9/2024 cho thấy, chính sách riêng cho lao động nữ thuộc nhóm yếu thế như người khuyết tật là thấp nhất. Điều này cho thấy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách trợ cấp khó khăn cho lao động nữ vẫn chưa thực sự được quan tâm.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của PGS. TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội trong số những lao động nữ trả lời bảng hỏi, có 34,3% mong muốn mở thêm trường học (nhất là trường mầm non) gần công ty để các lao động nữ có con nhỏ không vất vả trong việc tìm chỗ gửi con, yên tâm làm việc; 16,7% lao động nữ mong muốn mở thêm nhiều cây rút tiền ATM; 11,1% mong muốn xây dựng và hỗ trợ nhà ở xã hội.
Trong 2 phiên thảo luận, hội thảo đã nghe các tham luận của nhóm nghiên cứu trình bày một số kết quả nghiên cứu chính, bài tham luận của Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ, các ý kiến phản biện, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu... Qua đó góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để tư vấn hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh công việc đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp khu công nghiệp.