pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội lo ngại quy định mới về công khai giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều 23/5, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng, Điều 10 về quyền của người tiêu dùng, khoản 4 có quy định, người tiêu dùng có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Dung cho biết, chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyền này trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng liên quan đến thay đổi các yếu tố hình thành giá.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho rằng, nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: "Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".
Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai giá. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.
Theo đại biểu Mạnh Cường, quy định nêu trên thì "trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Bởi theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ "chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử" của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có thì đã được coi là công khai.
Trong khi đó, Luật Giá hiện hành quy định "tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức "niêm yết giá".
Về định giá, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc "giữ quy định về giá trần" và "bỏ quy định về giá sàn" đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Đối với "mức giá 0 đồng" của hãng hàng không đã khẳng định rằng "thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng", mà là chưa gồm thuế, phí. Tthực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng nghĩa là một hình thức ưu đãi chỉ áp dụng cho một số ít ghế, cho một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ "mức giá 0 đồng" bằng những thuật ngữ phù hợp là giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.