Đại biểu Quốc hội: Lương thấp đang bào mòn liêm sỉ cán bộ, kiến nghị tăng lương tối thiểu

Hải Yến
01/06/2022 - 16:51
Đại biểu Quốc hội: Lương thấp đang bào mòn liêm sỉ cán bộ, kiến nghị tăng lương tối thiểu

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Thu nhập chính từ lương đang rất thấp, khiến một bộ phận cán bộ, công chức có hiện tượng bị… bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm, tự trọng.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội: Lương thấp đang bào mòn liêm sỉ cán bộ, kiến nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp ngày 1/6

Kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu từ 01/7/2022

Quan tâm đến vấn đề tăng lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm. 

Theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 đến 7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ giúp cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, thu nhập chính từ lương thấp đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm, tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Hàng loạt hiện tượng tham nhũng xảy ra như: Buôn lậu xăng dầu, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản, vật tư y tế… Một trong những giải pháp hiệu quả để cán bộ không tham nhũng là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội: Lương thấp đang bào mòn liêm sỉ cán bộ, kiến nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Phương kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người lao động, vì đây là khoản đầu tư vào con người, sự phát triển, là nguồn lực quan trọng cho sự tăng trưởng của đất nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động. Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kiểm soát giá xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho người dân

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị, Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68; xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội; khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà, yên tâm làm việc;

Đại biểu Quốc hội: Lương thấp đang bào mòn liêm sỉ cán bộ, kiến nghị tăng lương tối thiểu - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu, nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm