pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Dịch Covid-19 thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Diễn đàn có sự tham gia của gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các đại biểu cùng thảo luận những chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mở, đặc biệt là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh Covid-19.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, trong những năm tới đây nền kinh tế của Việt Nam và thế giới sẽ phải chịu tác động bởi các xu thế chính trị, già hoá dân số; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như hình thành và gia tăng tính kết nối khu vực hay chuyển dịch dữ liệu xuyên biên giới. Trong khi đó, sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân.
Đặc biệt, kể từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề lên nền kinh tế - xã hội của toàn thế giới; trong đó có Việt Nam và làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này có tác động không nhỏ đến thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Mua sắm trực tuyến lên ngôi
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), khẳng định: Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới.
Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.
Đánh giá tổng quan về thị trường hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Chung, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, chiến lược xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển, trong đó có sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau dịch Covid-19. Theo đó, người tiêu dùng đã quan tâm và sẵn sàng bỏ tiền để có những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm này, đại diện công ty Tiki miền Bắc, ông Hoàng Quốc Quyền chia sẻ thêm: Dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ truyền thống sang mua sắm online. Cùng với đó giao dịch giữa doanh nghiệp với các đối tác cũng chủ yếu qua phương thức trực tuyến.
Cơ hội cho thương hiệu Việt
Dù thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tuy nhiên, đến thời điểm này, thương mại điện tử vẫn chỉ khai thác chủ yếu ở thị trường thành thị. Thị trường nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ với 80% dân số chưa tiếp cận với thương mại điện tử và chủ yếu vẫn sử dụng hàng giá rẻ, trôi nổi không nhãn mác, thương hiệu uy tín.
Ông Hoàng Quốc Quyền cho rằng, tới đây doanh nghiệp nên chú trọng khai thác thị trường tiềm năng này, mang đến cơ hội cho những sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng tiếp cận được với thị trường trong nước và đây cũng là cách xây dựng thương hiệu doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhấn mạnh: Việc thay đổi đầu tiên của các doanh nghiệp là tư duy thương hiệu. Hãy coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Mỗi cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp đều là điểm tiếp xúc thương hiệu. Tư duy tầm nhìn mới, chiến lược thương hiệu kết hợp truyền thông - hiện đại, phát huy tinh thần thương hiệu Việt.
Việc đổi mới này cũng cần phải kết hợp cùng với những kế hoạch bài bản, bước đi cụ thể, vững chắc và truyền thông hiệu quả để phát huy giá trị của thương hiệu Việt.