Đại diện UNDP tại Việt Nam: Muốn khởi nghiệp bền vững, cần kinh doanh 'có tâm'

28/07/2019 - 11:11
Trả lời PV Báo PNVN, bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện Văn phòng thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), khẳng định, các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ thực sự bền vững khi người kinh doanh có tâm, không chỉ chú ý đến lợi nhuận thuần túy của mình mà còn chú ý đến bảo vệ môi trường và lợi ích chung của xã hội.
Hướng đến ‘người tiêu dùng thông minh’
 
- Thưa bà, khởi nghiệp đang là chương trình được Việt Nam rất quan tâm và tìm kiếm các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững được xem là yếu tố tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bà đánh giá thế nào về vấn đề trên của Việt Nam hiện nay?
 
Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình khởi nghiệp mà Việt Nam đang thực hiện và cũng đạt được những kết quả bước đầu. Hiện nay, UNDP đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện chương trình Én Xanh, trong đó trọng tâm là tìm kiếm các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Tầm quan trọng chương trình này rất rõ, vì chúng ta không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững đúng thời hạn nếu như không có sự tham gia của lĩnh vực kinh tế tư nhân.
 
 
20190724_150316-02.jpg
Bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện Văn phòng thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) 
Cũng cần nhắc lại là khu vực kinh tế tư nhân mới chính là nơi khởi phát những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp và kinh doanh. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân có thể đưa ra được những giải pháp để giải quyết những hạn chế có tính ‘thâm căn cố đế’ của nền kinh tế hiện nay.
 
Hiện nay, kinh tế tư nhân có vai trò ngày càng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam, và cũng chính khu vực này đang thu hút một khối lượng vốn ngày càng lớn của toàn xã hội, góp phần nâng cao nội lực, đẩy mạnh sự phát triển. Do đó, tôi cho rằng, chương trình tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến kinh doanh mới vì mục tiêu phát triển bền vững chỉ đạt được kết quả tốt khi chú trọng đúng mức khu vực kinh tế tư nhân.
 
- Bà đánh giá thế nào về cơ hội kinh doanh cho những doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay?
 
Hiện nay, cơ hội dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp chú ý đến tác động xã hội là rất lớn. Cơ hội này được tạo ra từ chính xu hướng đang thay đổi từ phía người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ sinh sau năm 2000. Bởi họ rất quan tâm đến những tác động về mặt môi trường cũng như xã hội từ những sản phẩm mà họ sử dụng.
 
Thực tế cho thấy, sức ép từ người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp rất lớn, buộc các doanh nghiệp phải tự thay đổi, cải tiến, tìm hướng đi mới sao cho phù hợp với nhu cầu từ phía người tiêu dùng.
 
Theo một nghiên cứu của Nielsen thì 86% những người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng trả mức giá mua cao hơn nếu như họ biết rõ rằng sản phẩm của họ sử dụng là bền vững về mặt môi trường và xã hội.
 
Bình đẳng giới tạo ra tăng trưởng
 
- Tuy nhiên, khi cùng lúc phải đảm bảo cả hai yếu tố là lợi nhuận và phát triển bền vững thì doanh nghiệp có gặp phải sức ép gì không?
 
Tôi không nghĩ rằng giữa lợi nhuận và phát triển bền vững là mâu thuẫn nhau, ngược lại, đây là hai yếu tố tương hỗ cho nhau.
 
Theo kết quả từ một nghiên cứu mà tôi được biết, có khoảng 2/3 nhà đầu tư quan tâm đến những tác động xã hội và môi trường đối với dự án mà mình đang đầu tư. Ngoài ra còn có một số nghiên cứu khác cho thấy, những doanh nghiệp có sự đa dạng về giới trong đội ngũ nhân sự thì họ sẽ có lợi nhuận cũng như mức độ bền vững tăng 15%. Do đó, việc các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và môi trường có khả năng thành công lớn hơn.
 
 
khoinghiep.jpg
Các nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có sự đa dạng về giới trong đội ngũ nhân sự sẽ có lợi nhuận cũng như mức độ bền vững tăng 15%. Ảnh minh họa

 

Rõ ràng, về phía doanh nghiệp, khi trong đội ngũ nhân sự có sự đa dạng về giới thì họ sẽ có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh cũng như thị trường mới.
 
Hiện nay, ngày càng có nhiều người cho rằng Việt Nam là một quốc gia có môi trường kinh doanh đầu tư tốt để có thể tìm kiếm cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần chú ý xây dựng một hình ảnh sao cho Việt Nam có nhiều những doanh nghiệp có tác động tốt đến môi trường và xã hội. Như vậy, chúng ta có thể theo kịp được các nước trong khu vực như Thailand, Malaysia, Indonesia… là những nước có những cộng đồng doanh nghiệp tạo ra tác động, ảnh hưởng xã hội rất là lớn.
 
- Để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xã hội phát triển, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững, UNDP có những chương trình hỗ trợ cụ thể gì không?
 
Hiện nay, UNDP đang phối hợp với VCCI để thực hiện một số chương trình, trong đó có chương trình dự án Én Xanh. Chương trình này có mục đích đưa ra các sáng kiến mô hình kinh doanh có thể giải quyết được những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh hiện nay. Qua đó, giúp các doanh nghiệp khác có thể vừa giải quyết thách thức, vừa tạo ra lợi nhuận, trở thành mô hình cho các doanh nghiệp khác học hỏi, tham khảo. Điều này cũng sẽ giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.
 
Nhưng để hoàn thành được tốt mục tiêu này, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Các nhà đầu tư bây giờ cần phải hướng đến phát triển bền vững, không chỉ quan tâm đến lợi nhuận thuần túy từ nguồn vốn bỏ ra kinh doanh mà còn phải quan tâm đến tác động về mặt xã hội và môi trường nữa. Chúng tôi có khái niệm là “nhà đầu tư có tâm”, tức là không chỉ chú ý đến lợi nhuận thuần túy của mình mà còn phải chú ý đến bảo vệ môi trường và lợi ích chung của xã hội.
 
- Xin cảm ơn bà! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm