Đại Hội đồng Y tế Thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19

Nhu Thụy
19/05/2020 - 16:17
Đại Hội đồng Y tế Thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các quốc gia thành viên không né tránh các chủ đề, trong đó có việc kêu gọi một cuộc cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mạnh mẽ hơn sau khi cho rằng tổ chức này thiếu khả năng trong việc ngăn cản cuộc khủng hoảng Covid-19.

Thay vì tới trụ sở của WHO tại Thụy Sĩ để họp bàn và đưa ra quyết định về các vấn đề y tế toàn cầu, năm nay các thành viên của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) tham gia hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/5. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận gần 4,9 triệu người bệnh Covid-19, trong đó hơn 320.100 người đã tử vong. 

Chương trình nghị sự của Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 WHA chủ yếu tập trung vào chủ đề chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên dự họp cũng tham gia bỏ phiếu để lựa chọn các thành viên chính thức thay thế các thành viên đã hết nhiệm kỳ tại Hội đồng Chấp hành của WHO.

Đại Hội đồng y tế thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Cuộc họp diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang có thể đe dọa đến những hành động mạnh mẽ cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nơi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm ngoái, đồng thời đưa ra những cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ sớm đưa ra một quyết định về việc tài trợ cho WHO và ông đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho cơ quan này xuống còn 40 triệu USD với cáo buộc tổ chức này ban đầu đã hạ thấp mức độ quan trọng của dịch bệnh và thiên vị Trung Quốc. Tổng thống Trump đã dọa sẽ xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trong WHO nếu cơ quan này không cam kết có cải tổ đáng kể trong 30 ngày tới. 

Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ những cáo buộc, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước.

Đại Hội đồng y tế thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19 - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bất chấp căng thẳng, các quốc gia hy vọng sẽ nhất trí được một nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phản ứng chung trước đại dịch. Các nguyên thủ thế giới cho biết đây là lúc cả thế giới cùng chung tay đoàn kết đẩy lùi đại dịch thông qua thúc đẩy tiến bộ công nghệ như vaccine và liệu pháp điều trị Covid-19 đồng thời cam kết sẽ tài trợ cho quỹ phòng chống Covid-19 thông qua WHO, GAVI (Liên minh tiêm chủng toàn cầu) và các tổ chức đa phương khác để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với xét nghiệm, điều trị và nguồn cung vaccine một khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới phải ứng phó virus SARS-CoV-2 bằng sự chú ý và quan tâm tương xứng với mức độ nguy hiểm của chủng virus này. Ông khẳng định, WHO đã đứng vai kề vai cùng các quốc gia trong những giờ phút đen tối nhất, đồng thời kiên định kêu gọi đoàn kết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu vì đây là hai yếu tố then chốt trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Đại Hội đồng Y tế Thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19 - Ảnh 3.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, sự cần thiết phải lan truyền tinh thần đoàn kết và hợp tác trên khắp thế giới trong bối cảnh các quốc gia vẫn chật vật đẩy lùi đại dịch. Ông cho rằng, cách giải quyết này là "vũ khí mạnh mẽ nhất" chống lại virus SARS-CoV-2. "Chia sẻ thông tin và hợp tác với quốc gia khác bộc lộ sức mạnh mà không chủng virus nào có được, đó là sức mạnh mà chỉ con người mới sở hữu", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nêu rõ 3 nguyên tắc chính trong những nỗ lực kiểm dịch của chính phủ là công khai, minh bạch và dân chủ. Ông Moon cảnh báo, nếu thế giới không tìm ra phương pháp điều trị khả thi hoặc vaccine thì làn sóng lây nhiễm mới có thể bùng phát một lần nữa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu cần phải củng cố nâng cao khả năng ứng phó trước đại dịch. Châu Âu sẽ đầu tư hàng tỷ euro để củng cố vững chắc mạng lưới ứng phó trước các tình huống khẩn cấp và quản lý khủng hoảng. Tổng thống Pháp cũng cho biết cần ưu tiên các quỹ đặc biệt để hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới, cần hỗ trợ tài chính cho các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Khi vaccine ra đời cần có sự hỗ trợ toàn cầu để mọi người đều có thể tiếp cận được vaccine ngừa Covid-19.

Đại Hội đồng y tế thế giới bàn những vấn đề “gai góc” về Covid-19 - Ảnh 4.

WHO cần đổi mới trong vận hành trong cuộc chiến chống Covd-19

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo, Trung Quốc sẽ chi 2 tỷ USD trong vòng 2 năm để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng vì Covid-19, đặc biệt là những nước đang phát triển, đối phó với dịch bệnh. Bắc Kinh cũng dự định cùng Liên hợp quốc thành lập một trung tâm phản ứng nhân đạo toàn cầu đặt tại đại lục và phát triển vaccine để cung cấp cho toàn thế giới.

Nguồn: CNN, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm