pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đảm bảo bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi bị xâm hại
Ảnh minh họa
Vừa qua, Bộ Công an đã lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Thời gian nhận góp ý dự kiến từ ngày 29/9 đến hết ngày 29/11/2020.
Dự thảo gồm 3 Chương, 26 Điều với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tố tụng thân thiện trong quá trình điều tra xâm hại người dưới 18 tuổi.
Dự thảo đề cập đến vấn đề họi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can trong vụ án.
Cũng theo dự thảo này, cần áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng như người thân thích của họ được an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi các quyền, lợi ích ấy bị đe dọa hoặc bị xâm hại.
Dự thảo cũng nêu rõ, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi phải được chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết. Đồng thời, phải ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Ngoài các cá nhân tham gia tố tụng với tư cách là người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cơ quan điều tra có thể đề nghị đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường ở nơi tiến hành tố tụng hoặc cán bộ hỗ trợ khác trợ giúp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi, đặc biệt là những người không có gia đình, lang thang cơ nhỡ, người dưới 18 tuổi không nơi nương tựa, người dưới 18 tuổi bị buôn bán, đánh tráo, chiếm đoạt khi họ hoặc gia đình họ có yêu cầu hỗ trợ về chỗ ở, tham vấn, chăm sóc y tế, sức khỏe, trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý trong quá trình tố tụng hoặc khi xét thấy cần thiết.
Đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi, cơ quan điều tra phải đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp pháp lý cho họ. Việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan.
Một nội dung quan trọng khác của dự thảo lần này là khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra phải áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 486 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo vệ họ.
Đặc biệt, dự thảo cũng đề cập đến việc các cơ quan báo chí, truyền thông phải đảm bảo bí mật nhân thân cho bị hại là người dưới 18 tuổi. Cụ thể, dự thảo nêu:
"Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại khi họ có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết phải bảo vệ thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại; Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng bị xâm hại hoặc là người làm chứng bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội; Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi là bị hại….".