Đảm bảo quyền được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội

PVH
14/12/2022 - 17:09
Đảm bảo quyền được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Chiều 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và khả thi về hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam.

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng thời cụ thể hóa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn hoạt động, nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kèm theo Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội là cần thiết.

Mục đích của Nghị quyết nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và khả thi về hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội; đưa công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, hiệu quả; xác định nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xác định quyền và trách nhiệm tham gia bồi dưỡng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu rõ yêu cầu của Nghị quyết nhằm bảo đảm hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; gắn với nhu cầu bồi dưỡng của đại biểu Quốc hội và kế hoạch hoạt động của Quốc hội cả nhiệm kỳ, từng năm. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết có 3 Chương và 18 Điều. Trong đó quy định, đại biểu Quốc hội có quyền tham gia bồi dưỡng, chủ động đăng ký dự các chương trình bồi dưỡng; phản ánh nhu cầu, đề xuất nội dung, phương thức, thời gian bồi dưỡng; quyền được phục vụ với các lựa chọn khác nhau; được coi số ngày tham gia các hoạt động bồi dưỡng là thời gian thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Về nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện chương trình bồi dưỡng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, để tạo cơ sở xây dựng, phát triển đội ngũ báo cáo viên đáp ứng yêu cầu về năng lực, Quy chế quy định về các tiêu chí của báo cáo viên, nhấn mạnh ưu tiên những người đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong hoạt động ở Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, có thể mời chuyên gia quốc tế trình bày.

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là lần đầu tiên có Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đại biểu Quốc hội của ta hiện nay còn hạn chế trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động mà mới chỉ có hỗ trợ trong thuê khoán chuyên gia.

Đảm bảo quyền được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Khẳng định Quốc hội Việt Nam quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề về tên gọi của Quy chế có nên gọi là bồi dưỡng kiến thức không? Trong khi thực tế hoạt động và bản chất là tăng cường năng lực kỹ năng nói chung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu cho ý kiến thêm về tên của Quy chế này.

Trình độ của các đại biểu Quốc hội là khác nhau, chuyên ngành khác nhau, các đại biểu tham gia lần đầu cũng có khác biệt với đại biểu tái cử. Từ những đặc điểm của đại biểu Quốc hội cần thiết kế chương trình phù hợp với nhóm đối tượng như nội dung chuyên đề về nhà nước và pháp luật, chuyên đề sâu về Quốc hội, quy trình ngân sách...

Nêu rõ "thà làm ít mà tốt", Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tập trung theo nhóm đại biểu như đại biểu chuyên trách địa phương, đại biểu tham gia lần đầu. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn chính quy hoạt động bồi dưỡng đạo tạo, có bộ tài liệu chính thống, cùng với đó gắn với kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng phải có quyết định triệu tập, có chứng nhận.

Ban Công tác đại biểu đề xuất thời gian bồi dưỡng tối thiểu hàng năm đối với đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội là 6 ngày trong năm thứ nhất; 9 ngày trong năm thứ hai; 6 ngày một năm trong những năm tiếp theo. Đối với đại biểu Quốc hội tái cử, thời gian bồi dưỡng tối thiểu là 6 ngày mỗi năm.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm