pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH: Doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ cần được hỗ trợ nhiều hơn
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, phát biểu chiều 7/1
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, bày tỏ tán thành với các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Để đảm bảo hiệu quả thực chất của chương trình, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quan điểm "đảm bảo công bằng và bình đẳng" trong thực hiện Chương trình.
Đại biểu Thanh Cầm cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó tác động lớn hơn tới nhóm đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già, người lang thang cơ nhỡ. Các lao động phi chính thức là những người bị mất việc làm, có việc làm không ổn định, thu nhập thấp, tham gia bảo hiểm xã hội ít được chăm lo bảo vệ.
Đặc biệt, đại dịch làm gia tăng khoảng cách giới ở Việt Nam. Theo Báo cáo tác động đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI phối hợp thực hiện cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch; phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập mà 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Đại biểu cũng dẫn nghiên cứu khác cho thấy, số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có tỷ lệ cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam giới làm chủ. Đây là những doanh nghiệp cần nhận sự hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nam và nữ có sự khác biệt, đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp. Trước đại dịch trong quý 4/2019, tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ là như nhau. Nhưng khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ tăng lên so với trước đây; trong khi tỷ lệ thất nghiệp nam giới là không thay đổi.
Ngoài ra, lao động nữ thường tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất, như thương mại, bán lẻ, khách sạn, du lịch và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Dịch bệnh cũng tác động sâu sắc tới trẻ em và thanh thiếu niên. Giám đốc điều hành Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc cho rằng, những đợt phong tỏa về phòng chống dịch khiến cho các em phải trải qua những năm tháng khó quên của cuộc đời, khi có em bị mất người thân, mất cha mẹ, xa bạn bè, trường lớp, không được vui chơi… có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới...
Xem thêm Video phát biểu của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, hiện nay cơ cấu phân bổ kinh phí của chương trình vẫn tập trung nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đầu tư cho an sinh xã hội, để chương trình thực sự đạt được mục tiêu tạo động lực để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; và không để ai, nhóm nào, ngành nghề lĩnh vực, địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, "quan điểm quan trọng là công bằng và bình đẳng" cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình thực hiện chương trình, góp phần thực tiễn thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công bằng xã hội", đại biểu Thanh Cầm nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong quá trình chuẩn bị, Bộ đã đề xuất một số nội dung: Hỗ trợ lao động để giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ cho người lao động tạo được việc làm mới ở địa phương; và lực lượng lao động phi chính thức.
Về hỗ trợ lao động tự do, khu vực phi chính thức, từ kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai Nghị quyết 42 với 62.000 tỷ đồng năm 2020, và thực hiện Nghị quyết 68, Chính phủ đã giao cho địa phương, và ban hành sàn và trần tối thiểu - tối đa, rõ ràng đã đem lại hiệu quả ngay. Cho đến nay có 14 triệu lượt lao động tự do hưởng hỗ trợ. Triển khai gói hỗ trợ lần này, Chính phủ thống nhất nên giao cho địa phương chủ động hỗ trợ đối tượng lao động tự do, khu vực phi chính thức.
Về vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân, người lao động, nhất là lao động nông thôn về đô thị, theo ông Đào Ngọc Dung, để tính khả thi cao, cần tính đến việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp như giảm lãi suất, cho vay để doanh nghiệp xây nhà ký túc xá, hỗ trợ nhà trọ cho người lao động. Khi để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân thì sự gắn bó của người lao động cũng tăng cao và có hiệu quả thiết thực.
Giải pháp lâu dài cho vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, khi xây dựng Khu công nghiệp, Khu chế xuất cần phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, lao động để sàn an sinh tối thiểu của người lao động được đảm bảo.