pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: Hướng tới "sân chơi" công bằng hơn

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nghĩ cách vượt khó
Anh Hoàng Văn T., giám đốc một công ty chuyên phân phối hàng nội địa Trung Quốc, cho biết, với việc hàng hóa dưới 1 triệu đồng sẽ phải chịu thuế sẽ tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của công ty.
Những yếu tố bị ảnh hưởng, theo anh T., ngoài giá sản phẩm khi đến tay khách hàng sẽ tăng lên thì công ty còn mất thêm thời gian cho các hoạt động làm thủ tục để hàng hóa được thông quan trở về nước.
"Hàng hóa từ Trung Quốc có mẫu mã đẹp mắt, giá thành rẻ, khi đặt mua với số lượng lớn giá còn rẻ hơn. Đây là một trong những yếu tố thu hút khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khi bị áp thuế, mức giá ngang bằng với hàng Việt Nam thì người tiêu dùng đương nhiên sẽ có sự cân nhắc khi mua hàng. Thậm chí, nhiều khách hàng sẽ chuyển sang mua hàng Việt Nam. Lượng khách giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", anh T. chia sẻ.
Vị giám đốc này cũng thẳng thắn chia sẻ, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc chia nhỏ đơn hàng để tránh thuế đã trở thành một chiến lược kinh doanh.
Theo đó, đơn hàng đặt mua trên sàn online sẽ được đóng gói từ tổng kho hàng sát biên giới, chia thành nhiều đơn hàng nhỏ theo từng sản phẩm, hoặc nhiều sản phẩm, sao cho giá trị mỗi đơn hàng dưới 1 triệu đồng. Cách làm này không vi phạm quy định và sẽ giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí thuế.
"Tuy nhiên, về lâu dài, hàng ngoại tràn ngập sẽ kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù việc kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng bản thân tôi ủng hộ chủ chương áp thuế đối với các mặt hàng này", anh T. cho biết.
Để có thể thích nghi với sự thay đổi của cơ chế, anh T. cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp do anh làm chủ sẽ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng nội địa Trung Quốc nhưng sẽ có chọn lọc hơn, với những mặt hàng thiết yếu mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, anh T. dự tính sẽ nhận làm thêm một số khâu trung gian, dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động phân phối hàng hóa để đa dạng hóa mảng kinh doanh.
Tránh thất thu thuế
Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đánh giá, đây là thời điểm thích hợp để nước ta đánh thuế trở lại đối với những hàng hóa trị giá dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh.

Việt Nam sẽ đánh thuế hàng trị giá dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Ảnh minh họa
Vị chuyên gia này phân tích, trước đây, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, những mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ được miễn thuế. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa.
"Những hàng hóa có số lượng nhỏ thì thủ tục và chi phí hải quan để kiểm tra, thẩm định phục vụ cho mục đích thu thuế nhiều khi còn lớn hơn tiền thuế thu được. Bên cạnh đó, một lý do khác đó là nước ta cũng muốn thúc đẩy các hoạt động giao dịch qua đường biên giới với các nước láng giềng. Và để tăng tính gắn kết giữa các quốc gia lân cận nhau thì việc miễn thuế đối với những mặt hàng có giá trị nhỏ là cần thiết", ông Điền phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Điền, hiện nay, thương mại điện tử phát triển mạnh, người dân cũng thường có xu hướng mua hàng với giá trị nhỏ. Điều này dẫn đến tổng số lượng đơn hàng nhập qua biên giới nếu tính trong một năm sẽ là rất lớn.
Và việc không đánh thuế đối với những hàng hóa này sẽ khiến Nhà nước mất đi một nguồn thu lớn. Ngoài ra, lượng hàng nhập khẩu nhiều được miễn thuế cũng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi hàng hóa của các doanh nghiệp này vẫn phải chịu thuế.
Chính điều này sẽ dẫn đến một thị trường có sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nội và hàng ngoại. Do không phải chịu thuế nên các mặt hàng trên khi vào Việt Nam sẽ thiếu đi sự kiểm tra, đánh giá của cơ quan Nhà nước.
Trong khi đó, hàng hóa sản xuất trong nước phải trải qua nhiều khâu đánh giá, kiểm soát, dẫn đến giá thành cao và khó cạnh tranh được với hàng ngoại.
Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, nếu như các sàn thương mại điện tử của thế giới không phải chịu thuế, bán thẳng hàng sang Việt Nam thì các sàn thương mại điện tử trong nước sẽ không có cơ hội để phát triển.
"Việc miễn thuế cũng dễ gây ra tình trạng buôn lậu hàng hóa. Để được miễn thuế, các doanh nghiệp sẽ cố tình xé nhỏ hàng hóa. Cộng với việc không phải chịu sự kiểm tra vì là hàng hóa nhỏ nên nhiều công ty lợi dụng điều đó để thực hiện hành vi buôn lậu", TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định.
Khi áp dụng quy định mới, ông Điền cho rằng, lượng hàng ngoại bán qua kênh thương mại điện tử vào Việt Nam sẽ giảm. Song song với việc giảm số lượng, chất lượng hàng hóa cũng sẽ được nâng cao do có kiểm soát và người tiêu dùng là đối tượng sẽ được thụ hưởng điều này.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, khi hàng trị giá dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh không còn được miễn thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhập khẩu hàng hóa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
"Ở Việt Nam, các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động theo kiểu nhập hàng, sau đó phân phối lại và dịch vụ sửa chữa. Thế nên, khi hàng hóa nhập bị áp thuế, thì các doanh nghiệp này sẽ không thể lợi dụng việc giảm thuế để đưa hàng tràn lan vào trong nước nữa nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị trì trệ", ông Điền nói.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp này, khó khăn có thể đến ở giai đoạn trước mắt, còn về lâu dài sẽ là một yếu tố kích thích doanh nghiệp thay đổi để thích nghi, tìm hướng đi mới để phát triển doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài Chính, năm 2023, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỉ đồng.
Còn báo cáo của Metric (nền tảng khai thác dữ liệu ứng dụng Big Data và AI), quý III/2024, trung bình mỗi tháng người tiêu dùng chi gần 25.300 tỉ đồng mua hàng qua 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo). Tổng doanh thu thương mại điện tử cả nước 9 tháng năm 2024 đạt gần 10 tỉ USD, với hơn 1,4 triệu sản phẩm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đánh giá đây là con số rất lớn, nếu nước ta hoàn toàn miễn thuế thì sẽ thất thoát số tiền không nhỏ. Ông Thịnh cho rằng, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử.
Việc này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Tuyên truyền quy định pháp luật để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho Nhà nước. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có thể nhân ở Việt Nam nhưng người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của họ vẫn có đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam là một điều mỗi người dân cần phát huy điều đó.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg ngày 03/01/2025 bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Theo nội dung của Quyết định này, hàng trị giá dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) kể từ ngày 18/2/2025.