Đau lòng cảnh bé nhìn di ảnh mẹ đợi cho đi siêu thị

08/02/2017 - 12:00
“Mẹ chụp ảnh xinh quá, còn cười nữa. Từ ngày mẹ chụp ảnh đẹp, rồi đi Nam Định, sao mãi không về với con?…”- bé Quản Thị Hiền Hiếu, hai tuổi rưỡi ngây thơ nhìn di ảnh người mẹ mất vì tai nạn giao thông dịp Tết trên ban thờ nói vẻ hờn dỗi bố.
be-gai5.jpg
Tết đầu tiên, 2 đứa trẻ mồ côi mẹ

“Trước ngày mẹ cháu mất, có hứa sẽ đưa chị em nó đi siêu thị Big C sắm Tết, đã một tháng trôi qua, nó vẫn ngóng mẹ, đòi mẹ về để đi siêu thị…” – bà Nguyễn Thị Khởi (1953), bà nội của 2 cô bé mồ côi mẹ vừa ôm cháu Hiếu vào lòng vỗ về, nghẹn ngào kể.

Ngồi bên bà Khởi, cô bé Quản Thị Hiền Minh (6 tuổi) với gương mặt còn nguyên vết sẹo ở đuôi mắt và má, tay trái bị bó bột, chân bị vết thương vừa khô, nói vội: “Bà nội, không kể chuyện về mẹ nữa nhé”. Cô bé vén áo ở bụng lên: “Cháu có con rết bò ở bụng đây này” (vết mổ còn rúm ró chỉ khâu) rồi tỏ vẻ già dặn khi biết che giấu cảm xúc thật về mẹ: “Lúc bị tai nạn, cháu không đau đâu. Cháu không sợ bệnh viện. Ngày mai bố đưa cháu đi bệnh viện để tháo băng bó bột ra, cháu muốn đi học với các bạn. Giờ cháu không nhớ mẹ nữa, bà đừng nhắc về mẹ…”.

be-gai4.jpg
Bé Quản Thị Hiền Minh vẫn còn đau với vết mổ ở bụng, tay, chân và mặt

Anh Quản Minh Tân (1985), bố của 2 bé với gương mặt thất thần, hốc hác sau sự việc vợ và mẹ vợ đột ngột mất vì tai nạn giao thông. Nhắc đến vợ, sống mũi anh bất chợt đỏ ửng lên, cay cay, song người đàn ông ngoài 30 tuổi cố nén tất cả cảm xúc vào trong, cười nhẹ như mếu: “Cháu Hiền Minh rất bản lĩnh, nhiều bác sỹ ở bệnh viện cũng phải khen. Cháu bị đau nhiều, gẫy tay, vỡ bàng quang, vỡ xương chậu, chấn thương sọ não, mặt và tay chân đều sứt sát, chảy rất nhiều máu, nhưng cháu vẫn đọc được số điện thoại của bố cho người dân họ gọi báo tin về gia đình. Thấy bố đến bệnh viện, cháu vẫn gọi bố ơi, con không hư đâu, rồi lịm dần đi”.

be-gai1.jpg
Hơn 7 năm chung sống, vợ chồng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau, cứ dựa vào nhau làm ăn, nuôi con

Anh Tân cho biết, bé Minh lúc đưa đi mổ cấp cứu gần như không còn hy vọng, bà ngoại mất ngay tại hiện trường, vợ anh mất khi vừa đưa vào bệnh viện, may cháu được các y bác sỹ ở bệnh viện Việt Đức tận tình cứu chữa. Mỗi ngày cháu chỉ thiếp đi khoảng 2-3 giờ, vì đau nhiều quá.

Sau mổ, cháu tỉnh dậy đòi mẹ, anh Tân phải nhiều lần nén lòng, nói dối con gái là mẹ và bà ngoại đều phải nằm ở phòng bệnh khác để bác sỹ chữa bệnh, mẹ đau chân, chưa thể đi được để thăm con. 

be-gai7.jpg
Bé Minh chủ yếu do bố chăm sóc 
be-gai6.jpg
Bé Quản Thị Hiền Hiếu thi thoảng lại quấy khóc bà nội, đòi mẹ về

Cách đây đúng 1 tuần, vì con thắc mắc có ảnh mẹ trên ban thờ, anh Tân buộc phải nói mẹ đã mất. Cô bé 6 tuổi khóc nhiều và hờn dỗi bố, vì đã giấu bé suốt nhiều ngày nay về chuyện cô bé đã mất mẹ mãi mãi.

Anh Tân cho biết, ngày 27 Tết, bác sỹ cho cháu Hiền Minh về nhà, kế hoạch là bệnh viện sắp lịch mổ tiếp xương chậu, xong thấy sức khoẻ cháu yếu quá, bệnh viện lùi lịch lại. Ngày 8/2, anh sẽ đưa cháu đến bệnh viện khám lại, xem đã mổ được xương chậu cho cháu được chưa. Từ hôm xảy ra sự việc, anh rất sợ đưa con ra khỏi nhà.

be-gai3.jpg
Bé Quản Thị Hiền Minh vẫn còn nhiều vết đau trên người, trên mặt 

Thắp nén hương nhớ vợ, anh Tân cho biết: “Vợ chồng tôi ăn ở với nhau 7 năm trời, chưa bao giờ to tiếng với nhau, cô ấy hiền, đảm đang, làm giáo viên dạy âm nhạc ở tiểu học, còn anh làm nghề tự do. Tuy không giàu có, nhưng vợ chồng luôn biết dựa vào nhau để làm ăn, nuôi con”.

Hôm đó (ngày 5/1), vợ được nghỉ dạy học, cô ấy chở bà ngoại và con gái lớn bằng xe máy từ thành phố Nam Định lên bệnh viện 108 ở Hà Nội thăm ông ngoại bị ốm.

Lâu nay cả nhà vẫn đi xe máy như thế, để giảm bớt tiền đi xe ô tô và xe ôm lên Hà Nội hay về quê nội (thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, huyện Vân Đình, Hà Nội) thăm ông bà. Khi đến đoạn Ngọc Hồi, bị xe tải lấn làn, xe máy của vợ ngã ra đường. 

be-gai2.jpg
Để dỗ con gái bé, anh Tân phải bế con ra cổng nựng con, mẹ sắp về 

Anh Tân cho biết, đến giờ, anh chỉ lo sự sống còn của con ở bệnh viện, lúc đưa thi thể vợ về đến nhà, con gái tỉnh dậy ở bệnh viện đòi bố mẹ, anh đành nhờ họ hàng làm tang ma cho vợ và mẹ vợ. Con nhỏ thì nhờ bà nội trông, anh lên bệnh viện với con. Ban thờ kia cũng mới lập tạm ở nhà ông bà nội, để bố con anh Tân tiện hương khói cho vợ. "Đợi làm lễ 49 ngày cho cô ấy xong, bố con tôi sẽ đưa di ảnh mẹ các cháu về lại căn nhà mới xây ở thành phố Nam Định sinh sống". Anh Tân bảo: “Ở đây tiện ông bà nội trông cháu giúp, nhưng tôi không biết làm nghề gì. Về dưới đó, nhà có rồi, việc quen hơn, bố con tôi sẽ tằn tiện nuôi nhau”. 

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nghỉ làm đến hè để chạy chữa và chăm con. Tiền nợ gần 200 triệu đồng sau khi xây nhà mới vẫn chưa trả, nhưng mất người rồi, tôi phải lo cho con gái lành lặn đã, rồi sẽ đi làm nuôi 2 con và trả nợ sau”.

Ôm chặt cháu bé vào lòng, bà Nguyễn Thị Khởi buồn rầu: “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi ăn Tết sơ sài nhất, không sắm sanh gì ngoài mâm cơm cúng. Bà con hàng xóm đến nhà thay vì chúc mừng năm mới, sum họp, là lời chia buồn, động viên mẹ con, bà cháu tôi gắng sống…. Một cái Tết đầu tiên, các cháu không còn mẹ ở bên…”./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm