Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững

Bảo Minh
24/11/2021 - 23:17
Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững

Gia đình là bệ đỡ, nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo TS Trần Tuyết Ánh, đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Cho dù khoa học trên thế giới có phát triển tối tân và hiện đại đến đâu nhưng những giá trị từ gia đình là điều không gì có thể thay thế được.
Gia đình là ưu tiên hàng đầu của người dân Việt Nam

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra chiều ngày 24/11, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL), đã phát biểu về vấn đề Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Vụ trưởng Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, giá trị của gia đình ngày càng được bồi đắp, hình thành thêm những giá trị mới, tạo sức mạnh tinh thần để hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc có trí tuệ, tư duy tiến bộ. Gia đình cũng chính là nơi chốn bình yên, che chở, bảo vệ mỗi người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Theo TS Trần Tuyết Ánh, từ cuối năm 2019 đến nay, Covid-19 có tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, từ những khó khăn chồng chất như vậy, chúng ta lại thấy được những điểm sáng về đạo đức xã hội.

"Thật ấm lòng khi những giá trị sống nhân văn tưởng như đã bị lãng quên thì nay khơi sáng giúp cho chúng ta vơi đi những lo lắng của dịch bệnh, của thiên tai. Có thể nói, cứ mỗi lúc khó khăn, chúng ta thấy rõ được tinh thần Việt Nam tương thân, tương ái, nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Các giá trị đạo đức, nhân văn nói trên không phải là sự ngẫu nhiên mà là sản phẩm của cả một quá trình lâu dài được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Gắn liền với lịch sử của dân tộc là gia đình.

Gia đình đã trở thành bệ đỡ, là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam. Những giá trị đạo đức trong gia đình đã lan tỏa thành những giá trị xã hội, là niềm tự hào về quốc gia, dân tộc", TS. Trần Tuyết Ánh nói.

Xã hội Việt Nam đang dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại

Một nghiên cứu về "Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay" do đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện năm 2019 cho biết, người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí… 

Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, gia đình sống ở khu vực có mức độ đô thị hóa thấp thường có xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống, còn ở nhóm gia đình sống ở nơi có đô thị hóa cao hoặc có thu nhập cao dễ chấp nhận các giá trị gia đình hiện đại (giá trị mới). Nói cách khác, xã hội Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh

Theo Vụ trưởng Trần Tuyết Ánh, trong bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một quá trình tất yếu. Tuy vậy, nếu không có định hướng phù hợp để điều chỉnh, quản lý sự xung đột này sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường. Việc chia sẻ và theo đuổi hệ giá trị quyết định đến quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình.

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, suy yếu động lực phát triển của đất nước.

Gia đình hạnh phúc là mục tiêu, là động lực của sự phát triển

TS. Trần Tuyết Ánh cho rằng: Gia đình là hạt nhân của xã hội liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành và mỗi cơ quan, ban ngành chỉ tham gia quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu một phần của chức năng của gia đình.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới". Chỉ thị 06 nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".

Có thể nói, Chỉ thị 06 là văn bản quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam. Gia đình hạnh phúc là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, là hạt nhân để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh và giàu bản sắc. Hạt nhân gia đình chính là nơi hình thành, bồi dưỡng, giáo dục phẩm cách con người, cũng là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn của quốc gia, dân tộc. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các hệ giá trị tốt đẹp như: tình yêu thương, thủy chung, hiếu nghĩa, đức hy sinh, sự sẻ chia, mình vì mọi người - mọi người vì mình luôn được phát huy và gìn giữ trong các gia đình Việt Nam. Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững - Ảnh 2.

Gia đình hạnh phúc của ca sĩ Đinh Trang

Trong những năm qua, Bộ VHTT&DL đã chủ động xây dựng, ban hành và trình ban hành các Đề án, Chương trình nhằm tăng cường các giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng. Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kết quả thực hiện Mục tiêu "Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam".

Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, của mỗi người dân trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, góp phần vào sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.

Tầm quan trọng của gia đình và giá trị của gia đình đối với mỗi cá nhân và quốc gia, dân tộc đã được Đảng ta khẳng định qua các kỳ Đại hội luôn đặt gia đình ở một vị trí ngang tầm với dân tộc và thời đại,  "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Hiện thực hóa khát vọng Xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới

TS. Trần Tuyết Ánh cho rằng: Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

"Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Cho dù nền khoa học trên thế giới có phát triển tối tân và hiện đại đến đâu nhưng những giá trị như: Giáo dục đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó để vượt qua những trở ngại, gập ghềnh, những thăng trầm của cuộc sống, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình không gì có thể thay thế được", TS. Trần Tuyết Ánh khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Gia đình cũng nhấn mạnh: Khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng. Từ đó, nhằm tạo ra con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, có đủ trí tuệ, tài năng đưa nước ta hội nhập với nền văn minh của chung của nhân loại song vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa khát vọng Xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm