Đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng tầm hải sản thành báu vật biển

08/03/2019 - 14:58
Mạnh dạn đưa dây chuyền công nghệ hiện đại áp dụng vào sản xuất, chị Phạm Thị Thu Hiền đã giúp những món hải sản của Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) nâng tầm thành báu vật biển.
Vân Đồn, huyện đảo miền núi phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho vùng biển rộng với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với nguồn hải sản phong phú, chất lượng tốt. Nhưng những con tôm, con hàu, trai biển, sá sùng… đó chỉ được khai thác thủ công, bán tươi sống, phụ thuộc vào mùa vụ, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trân quý món quà vô giá trong lòng quê, người con gái Vân Đồn - Phạm Thị Thu Hiền ôm một khát vọng xây dựng đặc sản quê hương thành những báu vật biển, mang tấm lòng của người xứ biển đến mọi miền tổ quốc.
 
Gác lại công việc 10 năm ổn định tại sở Khoa học Công nghệ, chị Thu Hiền quay về Vân Đồn mở công ty Bavabi, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, mở ra quy trình sản xuất các sản phẩm ruốc từ hải sản như hàu, tôm, bề bề, trai… cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị trên toàn quốc.
 
pham-hien-8.jpg
Chị Phạm Thị Thu Hiền quết tâm biến những món hải sản của Vân Đồn thành báu vật biển

 

Tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm chế biến ở Quảng Ninh
 
Chả mực là một trong những thương hiệu của Quảng Ninh, nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhưng tại vùng biển này, còn rất nhiều các loại hải sản bổ dưỡng chưa được khai thác hết tiềm năng. Vốn là dân kỹ thuật, chuyên đi tư vấn, lắp đặt máy móc sản xuất tại các địa phương, chị Thu Hiền luôn ấp ủ mong muốn đầu tư một nhà máy hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm chế biến từ hải sản Quảng Ninh. Sau nhiều quyết tâm, chị đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thủy sản Quảng Ninh vào năm 2015, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tại tỉnh.
 
Chọn sản phẩm chủ lực là các món ruốc được chế biến từ hàu, bề bề, trai biển, chị Thu Hiền cho biết, tại nhà máy của chị, trừ công đoạn tách vỏ phải làm thủ công bằng tay, còn lại các công đoạn khác đều được làm trên dây chuyền máy móc hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
pham-hien-3.jpg
Chị Hiền giới thiệu sản phẩm tới khách hàng tại Hà Nội

 

Từ nguồn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ vùng nuôi trồng đạt chất lượng tại Bản Sen, nằm cách đất liền khoảng 1h đi tàu gỗ, hải sản được tách vỏ, được rửa lại với nước muối loãng để làm sạch nhớt rồi đưa vào xào chín ở nhiệt độ 140-150 độ C. Sau đó thịt hàu, thịt trai được sấy khô, xé sợi và chuyển sang công đoạn phối trộn, kết hợp cùng một số nguyên liệu khác như tôm, thịt để tạo độ ngọt, giảm độ tanh mà không cần sử dụng phụ gia, hóa chất. Cuối cùng, ruốc được đóng lọ, tiệt trùng, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.
 
pham-hien-1.jpg
Các sản phẩm chế biến từ hải sản Quảng Ninh

 

Công đoạn sản xuất tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng để một sản phẩm chế biến sẵn từ phòng thí nghiệm ra thị trường không tính bằng ngày, mà phải tính bằng tháng, bằng năm. Chị Hiền không thể nhớ hết mình đã phải đổ bỏ đi bao nhiêu mẻ ruốc, để có thể đưa ra được một công thức chuẩn như hiện tại. Lúc mới đầu, ruốc rất tanh, không phù hợp với khẩu vị của số đông, chị Hiền cùng đội ngũ nhân viên nhà máy phải liên tục cải tiến hương vị, mùi vị, cách phối trộn sản phẩm để giảm thiểu vị tanh… Dây chuyền sản xuất cũng được chị đầu tư hiện đại, để  nâng cao thời gian bảo quản và có quy mô đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại.
 
Những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai
 
Bốn năm, không phải là một chặng đường dài, nhưng khi từ bỏ công việc đang ổn định ra ngoài làm riêng, chị Hiền cũng như nhiều chị em khác gặp phải, đó là sự phản đối của gia đình. Hơn nữa, chọn xây dựng nhà máy ở Vân Đồn, chị Hiền còn phải chấp nhận cảnh “một chốn đôi quê”, cuối tuần lại đi vài trăm cây số về Hà Nội với gia đình, với chồng con. Khi sinh bé thứ hai, chị Hiền nhớ lại, hai mẹ con một tháng đã tha nhau đi làm. Em bé theo mẹ trên từng cây số, cứ mẹ đi đâu, con đi đó. Con thì nhỏ, yếu, lại phải di chuyển nhiều, cũng thấy áy náy, có lỗi với con lắm, nhưng đã vào guồng quay rồi, thì không thể dừng lại được.
 
pham-hien-21.jpg
Vùng nguyên liệu được đầu tư, khai tách theo tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo sạch và an toàn

 

Việc gia đình đã vậy, việc nhà máy cũng vất vả không kém. Vốn là dân kỹ thuật, không biết gì về kinh doanh, nên chị Hiền còn phải dành thời gian để học cách bán hàng, cách quản trị con người, quản lý dòng tiền… Với đặc thù của một nhà máy chế biến sản xuất, cần phải nhiều vốn để đầu tư vào sản xuất, công nghệ. Áp lực là con nợ ngân hàng buộc chị Thu Hiền phải lao động hết công suất. Thêm vào đó, để biến người lao động địa phương thành lao động chế biến tinh cần phải dành nhiều thời gian để đào tạo, uốn nắn. Mất gần hai năm, bộ máy mới dần đi vào ổn định.
 
Nhưng những khó khăn ban đầu ấy không thể nói cùng ai, chị Hiền chia sẻ. Mình không thể lôi người khác vào thuyết phục cái khó của mình, để họ phải san sẻ với mình, mà phải tự chèo lái, đứng vững. Mệt mỏi, áp lực, bế tắc thì nhiều, nhưng quan trọng nhất là phải giữ được tinh thần lạc quan, để những người đi cùng mình không cảm thấy nản.
 
pham-hien-4.JPG
Theo chị Hiền, để khởi nghiệp thành công, cần phải luôn lạc quan đương đầu với thử thách

 

Chăm lo cho lao động nữ
 
Để phát triển bền vững, đầu tư vào sản phẩm thôi chưa đủ, mà theo chị Phạm Thu Hiền, ngay từ khi mới thành lập nhà máy, chị đã đề ra sứ mệnh: Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, cần nâng niu giữ gìn.
 
Với lực lượng lao động chiếm tới 90% là lao động nữ, bên cạnh việc thực hiện các chế độ theo đúng Luật lao động, chị Hiền còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của chị em trong nhà máy. Hầu hết các lao động nữ trong công ty đều đang ở độ tuổi nuôi con nhỏ, chị Hiền đã gây dựng tủ sách ngay tại nhà máy, để chị em mở rộng, tiếp cận với những kiến thức mới, đặc biệt là cách nuôi dạy con theo phương pháp hiện đại, cùng nhau chia sẻ với nhau, biến nhà máy không chỉ là nơi làm việc, mà còn là gia đình thứ hai của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm