Đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng thời công nghiệp 4.0

13/07/2019 - 15:16
Hiện nay, việc kết nối cung cầu hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng có những chuyển biến nhanh chóng dựa trên nền tảng của tiến của công nghệ thông tin, khiến người sản xuất và tiêu dùng ngày càng gần nhau hơn.

Nhiều năm qua, việc tiêu tụ sản phẩm nông sản, thực phẩm của các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa được làm ra chưa có hệ thống hỗ trợ hiệu quả về quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối với đơn vị phân phối còn lỏng lẻo, thiếu bền vững… Việc kết nối, giới thiệu hàng hóa giữa người sản xuất với người kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm đến nay phổ biến thông qua các hội chợ nhưng chưa thường xuyên, chi phí cao, hiệu quả hạn chế.

Đơn cử, tỉnh Thanh Hóa hiện đã xây dựng và hình thành 73 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích hơn 440 ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của tỉnh như: Bưởi Luận Văn, vịt Cổ Lũng, nem chua Thanh Hóa, nước mắm Thanh Hương, nước mắm Ba Làng, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng…

Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, mới đây tỉnh Thanh Hóa cùng Tập đoàn VNPT nghiên cứu và xây dựng trang thông tin kết nối cung cầu sản phẩm nông sản tại địa chỉ https://nongsanantoanthanhhoa.vn. Trang thông tin được tích hợp việc đặt mua hàng với thanh toán điện tử và dịch vụ vận chuyển (logictic) - hoạt động tương tự như một sàn giao dịch điện tử. Ở đây người bán và người mua hoàn toàn giao dịch trên môi trường mạng.

kiem-tra-xuat-xu-hang-hoa-viet.jpg
Kiểm tra xuất xứ hàng hóa bằng phần mềm trên điện thoại thông minh

 

Tận dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, việc kết nối cung cầu hàng hóa qua môi trường mạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa chất lượng tốt tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, cũng như người tiêu dùng yên tâm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa dễ dàng.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, người tiêu dùng trong nước cũng đã biết tới công ghệ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa được ứng dụng rộng rãi thời gian qua, trong đó có giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa mang tên VNPT Check.

Doanh nghiệp tham gia được cấp mã xác thực hàng hóa và in tem điện tử trên sản phẩm. Còn người tiêu dùng sử dụng điện thoại smartphone chạy hệ điều hành iOS hoặc Android có kết nối mạng internet và cài đặt phần mềm hoặc thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR code như: Zalo hay facebook… có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối.

Bến Tre là tỉnh đầu tiên được chọn thí điểm triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp và nhanh chóng các được áp dụng rộng rãi với các đặc sản vùng miền khác vào năm 2017 như: Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), Nhãn lồng Hưng Yên, Dược phẩm Hà Tĩnh, Dược phẩm Nam Hà, Vải Lục Ngạn, Hành tỏi Lý Sơn, Máy lọc nước Karofi... Tiếp đó, năm 2018, thêm nhiều sản phẩm tên tuổi được gắn tem truy xuất nguồn gốc do VNPT cung cấp như Gà Tiên Yên (Quảng Ninh) Vải thiều Thanh Hà, bánh gai Hưng Yên hay các sản phẩm thanh long ruột đỏ, dưa lê vàng Long Phụng, dưa chuột sạch; măng tây, dưa kim hoàng hậu, mướp đắng, bầu, cà chua, nước mắm Biển Bạc...

hang-hoa-viet.jpg 

Còn trên địa bàn Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn bằng việc cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5 triệu tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, giúp người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm. Đồng thời, cấp giấy xác nhận cho các chuỗi rau, thịt và các điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn trên địa bàn Thành phố.

TP Hà Nội đã ra mắt hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn của Hà Nội với tên miền: Hn.check.net.vn nhằm giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, thông tin sản phẩm, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.  Đây cũng được xem như sàn giao dịch tạo ra kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp với sự quản lý giám sát của nhà nước. Từ đó giảm đi tình trạng được mùa rớt giá cho bà con nông dân.

Việc ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, một mặt giúp bà con nông dân, ngời sản xuất kiểm soát được hàng hóa, tránh việc sản phẩm của mình bị làm giả làm nhái, gây mất uy tín với người tiêu dùng, doanh nghiệp quảng bá thông tin về sản phẩm của mình một cách hiệu quả.

Mặt khác, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy được nguồn gốc nơi sản xuất của sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó, người tiêu dùng trong nước cũng dần đặt niềm tin và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa của Việt Nam sản xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm