pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH đề xuất ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý học đường
Thảo luận trước Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, ĐBQH Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) dành sự quan tâm đến tình trạng xâm hại trẻ em trong môi trường học đường. Điều mà nữ địa biểu cảm thấy bức xúc, trăn trở là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi và diễn biến phức tạp trong cơ sở giáo dục.
"Môi trường giáo dục là nơi mà chúng ta luôn nghĩ rằng là mô phạm, an toàn, lành mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con trẻ của chúng ta được rèn luyện và hoàn thiện nhân cách. Thế nhưng, đã có quá nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra sau cánh cổng trường. Nếu học sinh, phụ huynh và cả xã hội mất niềm tin vào nhân cách của người thày, niềm tin về giáo dục sẽ đi về đâu?" – đại biểu Quỳnh Dao trăn trở.
Nói về công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trong học đường, ĐB Quỳnh Dao cho rằng hoạt động này ngày càng được xã hội quan tâm và nếu thực hiện một cách bài bản tốt về công tác tư vấn tâm lý học đường, chắc chắn sẽ kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em, cho thanh thiếu niên trong vấn đề nhận thức, về cảm xúc, về tư tưởng, về hành vi để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
"Nhiều vụ xâm hại, bạo lực học đường xảy ra khi bị phanh phui đã diễn biến trong một thời gian rất dài. Các em chịu bao khổ sở, sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, chịu rất nhiều tổn thương, thậm chí có em đã tự tử. Năm 2016, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới là 13 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên thì Việt Nam của chúng ta khi đó xếp thứ 13 với tỷ lệ là 1,8/100.000 người. Nếu như chúng ta thực hiện tốt bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường, chắc có lẽ con số này sẽ không quá đau buồn như vậy!" – ĐB Châu Quỳnh Dao nhìn nhận.
Nhận định về công tác tâm lý học đường, theo ĐB Dao, dù đã có hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT, song khi áp dụng vào thực tiễn lại gặp khó khăn ngay ở chính đội ngũ làm công tác này.
"Lý do lớn nhất là trường không có cán bộ chuyên trách, chỉ là kiêm nhiệm, cho nên sẽ có khiếm khuyết, thứ nhất là về trình độ, thứ hai là về kỹ năng, thứ ba là về phương pháp. Những điều này đã gây trở ngại rất lớn vào công tác của chúng ta như báo cáo đánh giá là thực hiện chưa hiệu quả và vẫn còn hình thức" – ĐB Quỳnh Dâu cho hay.
Để khắc phục tình trạng này, ĐB Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng với Bộ Nội vụ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý cho việc ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
"Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để giúp chúng ta có được một đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường, không chỉ tư vấn tâm lý phòng, chống xâm hại bạo lực học đường mà còn là tư vấn định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho phù hợp với xu thế mới" – đại biểu Châu Quỳnh Dao khẳng định.