ĐBQH: Hiệp định về bảo hiểm xã hội bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội cho người lao động

PV
17/12/2021 - 14:25
ĐBQH: Hiệp định về bảo hiểm xã hội bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội cho người lao động

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa: KT

Lần đầu tiên Hiệp định về Bảo hiểm xã hội (BHXH) giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được ký kết, theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Công Sỹ, quyền an sinh xã hội của lao động 2 nước được đảm bảo tốt hơn.

Ngày 14/12, Hiệp định về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức được ký kết. Đánh giá ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định này, ĐBQH Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết: Hiện nay, người lao động Việt Nam làm việc, lao động tại Hàn Quốc khoảng 44 ngàn người, lao động Hàn Quốc tại Việt Nam khoảng 27 ngàn người.

Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống pháp luật của mỗi nước có quy định khác nhau hoặc chưa được quy định về một số nội dung cụ thể về BHXH. Trong đó, có sự khác nhau hoặc chưa quy định ở trong Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc.

Theo ông Đinh Công Sỹ, quy định pháp luật hiện hành của hai nước, những người lao động này đang phải đóng song trùng BHXH cả tại Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cũng không được tính cộng gộp ở cả hai nước. Với quy định này sẽ bất lợi cho người lao động của mỗi nước.

Để khắc phục bất cập này, việc hai Chính phủ ký hiệp định là rất cần thiết; bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế; đồng thời phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chính phủ hai nước ký Hiệp định BHXH thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc với người lao động của mỗi nước, thông qua hướng đến cách tiếp cận chung của quốc tế về hoàn thiện các quy định pháp luật trong bối cảnh dịch chuyển lao động giữa hai nước diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời còn khẳng định sự quyết tâm cao, sự tin cậy chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

ĐBQH: Hiệp định về BHXH bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội cho người lao động - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ. Ảnh quochoi.vn

Trong đó, Hiệp định hướng đến mục tiêu tránh đóng BHXH hai lần và cách tính cộng gộp thời gian theo quy định của pháp luật mỗi nước để làm cơ sở hưởng.

Về tránh đóng BHXH hai lần, Hiệp định chia ra làm ba nhóm lao động: Nhóm lao động phái cử, nhóm lao động tuyển dụng tại chỗ và nhóm đặc biệt khác. Theo đó, mỗi nhóm lao động này sẽ chỉ phải đóng BHXH theo pháp luật tại một nước trong thời hạn nhất định mà không phải đóng cùng lúc tại Việt Nam và Hàn Quốc và theo hướng áp dụng pháp luật của nước có lợi hơn cho người lao động.

Về cách tính cộng gộp thời gian tham gia để tính hưởng BHXH: Hiệp định không chỉ giúp cho việc tránh đóng song trùng BHXH mà hệ quả ưu việt thứ hai đó là tối ưu hóa quyền lợi BHXH cho công dân mỗi nước Việt Nam - Hàn Quốc bằng việc tính tổng thời gian đóng BHXH ở cả hai nước (không bao gồm thời gian đóng trùng, nếu có) để tính hưởng lương hưu theo quy định pháp luật mỗi nước.

Quy định về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí trong Hiệp định cho phép tính gộp thời gian đóng BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc vào thời gian tối thiểu đóng BHXH. Quy định này sẽ giúp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (thay vì chỉ được nhận tiền BHXH một lần), sẽ tối ưu hóa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động Hàn Quốc khi đi làm việc tại Việt Nam; bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động hai nước thực hiện một cách bền vững các quyền con người về kinh tế, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đồng thời góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội ghi nhận. Nếu không có Hiệp định thì có người lao động sẽ không được hưởng chế độ hưu trí ở cả hai nước do không đủ điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ: Đây là Hiệp định về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam ký kết với một quốc gia khác; qua đó đặt ra yêu cầu sửa đổi pháp luật về BHXH trong đó có Luật BHXH năm 2014 và các luật có liên quan.

Trong thời gian tới, để tiệm cận với xu thế pháp luật thế giới cần xem xét đến việc bổ sung các quy định về đóng BHXH ở nước ngoài cho lao động Việt Nam và ở Việt Nam với lao động nước ngoài. Từ đó sẽ tránh được việc lao động phải đóng BHXH hai lần, cộng gộp thời gian đóng BHXH ở cả trong nước và nước ngoài để tính hưởng chế độ BHXH và thời gian đóng BHXH, tuổi lao động để được hưởng chế độ hưu trí...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm