pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh đóng BHXH 2 lần với người lao động Việt Nam và Hàn Quốc
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa KT
Sáng nay 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 5, xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung khác.
Tại phiên họp này, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Những năm qua, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đòi hỏi phải có chính sách đảm bảo cho họ tiếp cận, thụ hưởng quyền an sinh xã hội, tạo bình đẳng về cơ hội cho cả người lao động nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam đi làm ở nước ngoài.
Theo ông Đào Ngọc Dung, quy định pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH, người lao động đi làm ở Hàn Quốc sẽ vừa đóng BHXH ở Việt Nam vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật của 2 nước, tránh song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân 2 nước, Chính phủ 2 bên đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa 2 nước.
Nội dung Hiệp định gồm 5 Phần, 24 Điều. Về quy định tránh đóng BHXH hai lần, lao động phái cử của một bên ký kết được cử đi làm việc thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết đầu tiên trong thời gian 60 tháng đầu và có thể kéo dài thêm không quá 36 tháng (hết thời gian trên sẽ chỉ áp dụng pháp luật của nước người lao động đến làm việc).
Về cộng gộp thời gian tham gia và tính hưởng BHXH, ngoài quy định nhằm tránh đóng BHXH hai lần, Hiệp định hướng đến tối ưu hóa quyền lợi BHXH cho công dân 2 nước thông qua việc tính tổng thời gian tham gia BHXH ở cả 2 nước để xét hưởng quyền lợi hưu trí.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam chưa có quy định về ghi nhận thời gian cộng gộp đóng BHXH bao gồm cả thời gian đóng BHXH ở nước ngoài.
Kiến nghị nội dung này, ông Đào Ngọc Dung đề xuất: Về tính cộng gộp thời gian đóng BHXH nói trên, sẽ chỉ áp dụng khi Việt Nam có khả năng thực hiện. Theo đó, hai bên ký kết thống nhất sẽ thực hiện trước nội dung miễn trừ để nhằm tránh đóng BHXH hai lần. Còn đối với nội dung về tính cộng gộp thời gia sẽ được thực hiện khi phía Việt Nam hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật BHXH hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết: Về tính hưởng chế độ hưu trí, Dự thảo Hiệp định quy định việc xem xét điều kiện và tính toán mức hưởng chế độ BHXH sẽ theo quy định của pháp luật mỗi nước.
Theo đó, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có tổng thời gian đóng BHXH ở cả Hàn Quốc và Việt Nam (và đảm bảo thời gian đóng BHXH ở Việt Nam tối thiểu từ đủ 18 tháng trở lên) từ đủ 10 năm trở lên là đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu hằng tháng của Hàn Quốc và từ đủ 15 năm trở lên (đối với nữ) hoặc từ đủ 20 năm trở lên là đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu hằng tháng của Việt Nam.
Luật BHXH năm 2014 (Điều 56) hiện chỉ quy định việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có từ 15 năm đóng BHXH trở lên và lao động nam có từ 20 năm đóng BHXH trở lên; trong khi đó "chưa quy định về việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có dưới 15 năm đóng BHXH và lao động nam có dưới 20 năm đóng BHXH trong trường hợp cộng gộp thời gian đóng BHXH theo quy định của Hiệp định".
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, theo quy định của Hiệp định, thời gian đóng BHXH đối với thời gian làm việc ở Hàn Quốc sẽ được tính theo Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc và được chi trả từ Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc. Thời gian đóng BHXH tại Việt Nam sẽ được tính theo Luật BHXH của Việt Nam và được chi trả từ Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam .
Như vậy, sẽ có trường hợp lao động nữ có dưới 15 năm đóng BHXH và lao động nam có dưới 20 năm đóng BHXH tại Việt Nam nhưng đủ điều kiện tính hưởng chế độ hưu trí do tính gộp thời gian đóng bảo hiểm ở cả Việt Nam và Hàn Quốc và pháp luật Việt Nam cần có quy định về mức tính lương hưu hằng tháng đối với người lao động trong trường hợp này để có căn cứ tính và chi trả chế độ hưu trí hằng tháng.
Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại cũng bày tỏ đồng tình việc Chính phủ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.