ĐBQH: Không nên "hạn chế tiêu chí doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ là dưới 100 lao động"

H.H
15/06/2020 - 12:24
ĐBQH: Không nên "hạn chế tiêu chí doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ là dưới 100 lao động"

Đại biểu Trần Thị Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, phát biểu

Tại phiên thảo luận sáng nay (15/6), một số ĐBQH nêu thực trạng quý 1 có 5 triệu người mất việc làm. Các đại biểu đề xuất Chính phủ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội sáng nay (15/6), đại biểu Trần Thị Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, nêu lên một thực tế người lao động mất việc làm có xu hướng gia tăng trước sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19.

Theo thống kê trong quý 1/2020, cả nước có khoảng 5 triệu người mất việc làm. Theo đại biểu Hằng, con số này sẽ còn tăng cao thêm khi lao động nước ngoài về nước. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới khu vực có khả năng hồi phục để giải quyết việc làm cho người lao động.

Đại biểu Hằng cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ giải quyết được lượng lớn việc làm cho người lao động. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất đúng, trúng, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp như gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch…

Tuy nhiên theo đại biểu này, Chính phủ cần tổ chức sát sao khâu tổ chức thực hiện, thời điểm triển khai để các chính sách thực thi đúng mục đích. Các doanh nghiệp được tạo thuận lợi mọi mặt trong hoạt đồng.

Đại biểu Trần Thị Hằng đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ vay vốn 0% hoặc lãi suất thấp, nhất là các ngành thâm dụng lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới. Doanh nghiệp tồn tại, phát triển được thì mới giải quyết được việc làm cho người lao động.

ĐBQH: "Dọn tổ đón đại bàng cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" và giải quyết việc làm - Ảnh 1.

Theo thống kê trong quý 1/2020, cả nước có khoảng 5 triệu người mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Đi vào nội dung hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, bày tỏ băn khoăn: Hiện nay đang đề nghị giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vấn đề đặt ra là hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có lao động đang đóng BHXH dưới 100 người thì được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đại biểu này, đáng chú ý là có những doanh nghiệp không có doanh thu, hoặc giảm doanh thu, có trên 100 lao động, nhưng họ vẫn nỗ lực giữ người lao động, vẫn trả lương, vẫn đóng bảo hiểm cho người lao động.

Đại biểu Bình kiến nghị nên khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp giữ nhiều lao động, giải quyết việc làm, chứ không nên "hạn chế tiêu chí doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ là dưới 100 lao động".

Còn đại biểu Bùi Thanh Tùng, đoàn ĐBQH Hải Phòng, cho rằng: Cùng với việc kiểm soát tốt dịch, chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép: "Tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế".

Thời gian qua, nhiều địa phương đã "trải thảm đỏ" cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư…

Theo đại biểu Tùng, "chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế…

Video các ĐBQH thảo luận về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau đợt dịch Covid-19, tạo việc làm cho người lao động 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm