pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH lo vướng đủ bề khi loại bỏ sổ hộ khẩu
Luật Cư trú sửa đổi lần này có nhiều nội dung đổi mới căn bản về việc bỏ sổ hộ khẩu, thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Về vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) và các đại biểu nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những lý do như đã nêu trong Tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Tuy nhiên, theo ông, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ gặp khó khăn, vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.
"Đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu" - ĐB Hùng nêu ý kiến.
Nói về việc thay thế phương thức quản lý này, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia có thể đến tháng 6/2021 là hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu chốt "cứng" trong luật quy định bỏ sổ hộ khẩu mà không có điều khoản chuyển tiếp thì rất khó. Bởi phải tính đến khi luật có hiệu lực rồi nhưng chưa bỏ được hộ khẩu giấy, chưa làm mã số định danh thì cần có điều khoản chuyển tiếp.
Theo ông, cần phải có giai đoạn chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang dữ liệu số về số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú nhằm đảm bảo tính khả thi. Nếu không làm bước này, các thủ tục liên quan đến quyền công dân như đăng ký kết hôn, nhập khẩu, nhập tịch, thủ tục vay vốn ngân hàng, thế chấp… sẽ gặp nhiều vấn đề nảy sinh.
"Bỏ sổ hộ khẩu cũng cần tính đến các luật khác liên quan như giao dịch bất động sản, thuế trước bạ… phải rà soát kỹ, thiết kế đảm bảo thông suốt cho hệ thống hành chính và quyền công dân" – ông Vương Đình Huệ nhận định.
Với địa bàn có dân cư đông như TP.HCM, nhiều ĐBQH của thành phố cũng tỏ ra lo lắng trước vấn đề thay thế sổ hộ khẩu bằng dữ liệu số. ĐB Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đồng tình với hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu tạm trú, bởi xu hướng quản lý dân cư trên thế giới hiện nay bằng khoa học công nghệ. "Việc này vừa hiệu quả và tốn ít công sức đi lại của người dân, đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý Nhà nước, an ninh trật tự", ông nói.
Tuy vậy, theo ĐB Châu, vì liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều bên nên việc chuyển đổi cần có lộ trình và thận trọng từng bước. Theo đó, cần tính toán đảm bảo trong thời gian chuyển giao, vừa tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu song song với ứng dụng khoa học công nghệ bằng mã số định danh cá nhân. "Đến khi hệ thống chạy thông suốt, hiệu quả và đảm bảo thay thế hoàn toàn sổ hộ khẩu thì mới chấm dứt được vai trò của loại giấy tờ này" - ông Châu nói.
Với TP.HCM, áp lực tăng dân số là thử thách không hề nhỏ cho phương án này. Theo ông Châu, TP.HCM mỗi năm tăng 200.000 dân, nhưng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục… không tăng kịp. Vì vậy, ông lo ngại quy định bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất giữ lại một số điều kiện về kỹ thuật để làm sao các đô thị như TP.HCM vừa có thể phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá kỹ thuật đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số, tránh tình trạng dân số tăng trước, cơ sở hạ tầng "chạy" theo sau.
Một số ĐBQH cũng băn khoăn về tiến độ cấp mã số định danh cá nhân khi hiện mới chỉ cấp được gần 20 triệu mã số trên tổng số gần 100 triệu công dân. Bên cạnh đó, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú trong khi các quy định pháp luật có liên quan hầu hết đều quy định cần các giấy tờ này, từ các giao dịch dân sự đến hành chính. Vì vậy luật sửa đổi cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan để không ảnh hưởng đến quyền của người dân khi thực hiện các giao dịch.