Bỏ sổ hộ khẩu có giúp làm sổ đỏ dễ hơn?

09/11/2017 - 09:25
Làm “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vốn bị nhiều người dân kêu ca là khó khăn, nhiêu khê, là dễ phát sinh tiêu cực… Tất cả chỉ lại “lỗi” của… cuốn sổ hộ khẩu và những giấy tờ gắn với nó.

Vậy, sắp tới đây mọi chuyện có trở nên dễ dàng và minh bạch hơn?

Anh Hoài Sơn, ngụ tại TPHCM là một trong những người từng bị “hành” rất nhiều khi đi làm “sổ đỏ” cho mảnh đất mà anh mua được để chuẩn bị xây nhà. Mảnh đất này anh mua bằng nguồn tích cóp từ hơn 10 năm làm việc cật lực, nhưng vì không thật dư dả về tài chính nên anh phải mua một khoảnh đất vườn của một gia đình ở vùng ven thành phố.

5.jpg
Có thời, một số nơi quy định muốn có hộ khẩu thì phải có nhà, và muốn chuyển nhượng nhà đất thì phải... có hộ khẩu!

 

Vì là đất nông nghiệp, nên anh phải trải qua khá nhiều bước, từ chuyển đổi mục đích sử dụng cho tới xác lập quyền sử dụng, sau đó mới có thể xin phép xây dựng nhà… Thế nhưng, ngay từ bước đầu tiên, anh đã “vướng” vào một “vấn đề nan giải”, đó là không có hộ khẩu TPHCM. Dù đã sống và làm việc tại TPHCM hơn 10 năm, trải qua 3-4 công ty, nhưng anh vẫn chỉ được cấp sổ tạm trú dài hạn vì… không có nhà ở thành phố. “Cuốn sổ” này không đủ giúp anh có thể làm bất cứ thủ tục nào về chuyển nhượng đất đai.

May cho anh, chỉ một thời gian ngắn sau đó, TPHCM thay đổi quy định, mở rộng diện được nhập khẩu ra cả những người chưa sở hữu nhà ở thành phố. Thế là anh vội vàng chuyển hộ khẩu từ quê nhà vào, chắc mẩm chuyến này sẽ dễ dàng, thuận tiện trong việc làm “sổ đỏ”.

1.jpg
Thủ tục, hồ sơ để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị kêu ca là quá khó khăn, phức tạp, nhiêu khê và dễ phát sinh tiêu cực

 

Thế nhưng, ngay cả khi đã cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, thì việc đi làm “sổ đỏ” vẫn tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Cơ quan chính quyền địa phương liên tục đòi hỏi anh phải bổ sung rất nhiều thứ giấy tờ khác – hầu hết đều liên quan đến vấn đề cư trú, mặc dù những thông tin cơ bản đều đã thể hiện trong cuốn sổ hộ khẩu. Anh phải tốn mất cả nửa năm trời chạy đi chạy lại giữa UBND phường với các cơ quan của quận để chứng hàng chục loại giấy tờ. Lần nào, cuốn sổ hộ khẩu cũng là thứ đầu tiên mà anh nhét vào tập hồ sơ, vì lỡ quên thì chẳng ai chịu chứng nhận giấy tờ gì cho anh.

Phải hơn 1 năm sau, anh mới làm được “sổ đỏ”, và tất nhiên là phải nhờ vả vào “dịch vụ” chứ bản thân anh không tài nào “chạy” được!

Mới đây, nghe tin sổ hộ khẩu sẽ bỏ, quản lý cư trú của công dân bằng mã số định danh, anh Sơn mới nhớ lại “hành trình” đi làm “sổ đỏ” quá cam go của mình…

“Quá hay, chỉ cần mang theo đúng một tấm thẻ căn cước công dân là có thể giải quyết được tất cả mọi việc, thay thế được hầu hết mọi thứ giấy tờ, dẹp bỏ mọi thủ tục rắc rối, nhiêu khê”, anh nói.

4.jpg
Nội hồ sơ xin cấp "sổ đỏ"

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết, các cơ quan chức năng Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra việc chuyển đổi, cho tặng đất đai khi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân. Việc bỏ các loại giấy tờ không cần thiết không có nghĩa là không kiểm tra các loại dịch vụ khác, buông lỏng quản lý đất đai.

“Khi người dân cung cấp dữ liệu, thông tin về việc chuyển đổi, cho tặng đất đai thì  cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra lại thông qua cơ sở dữ liệu dân cư và phải trả lời chính xác”, ông Cầu nói.

Còn Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng xác nhận: "Hiện tại, công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo sổ hộ khẩu, không phải công chứng các loại giấy tờ, mà chỉ mang theo căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho cơ quan chức năng Nhà nước để thực hiện giao dịch hành chính".

2.jpg
Quản lý công dân bằng mã số định danh nhằm giúp người dân thoát khỏi nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp

 

Đây là điều mà nhiều nước đã thực hiện. Đơn cử như tại Hàn Quốc, hiện có tới 35 loại việc mà người dân có thể “đi tay không” đến cơ quan hành chính để giải quyết. Một số nước ASEAN cũng đã thực hiện trên 10 năm nay, và dù phải mất nhiều năm mới hoàn thiện được hạ tầng kỹ thuật và cơ chế vận hành, nhưng những cải cách đó đem lại nhiều hiệu quả to lớn: Giảm bớt thủ tục, giảm thời gian đi lại, chi phí cho người dân, cho nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển.

Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất, là khi quản lý bằng mã số định danh với các thông tin được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khái niệm “thường trú”, “tạm trú” có thể không còn tồn tại với “giá trị” như hiện nay. Có cơ sở để tin vào điều này bởi trong Nghị quyết 112 của Chính phủ, đi cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.

Chỉ như vậy thì khi đi làm “sổ đỏ” mới không cần đến những thủ tục, hồ sơ nhiêu khê, phức tạp, và nhất là có khả năng phát sinh nhiều tiêu cực như hiện nay.

Nếu không làm được việc này, thì việc thay thế chứng minh thư nhân dân bằng thẻ căn cước công dân sẽ không có nhiều ý nghĩa, và ứng dụng công nghệ thông tin vào hành chính cũng chỉ chủ yếu thay đổi về hình thức mà thôi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm