Trong cùng một phòng bệnh tại một bệnh viện ở TPHCM có 2 bệnh nhân nằm chung một giường, bệnh tình tương tự như nhau. Sau hơn 1 tuần điều trị, họ được xuất hiện trong cùng một buổi. Nhưng trong khi một người chỉ phải trả 2 triệu đồng tiền viện phí và chi phí thuốc men, còn người kia thì phải chi trả tới gần chục triệu. Nguyên nhân là bởi: Người trả ít tiền có hộ khẩu TPHCM, còn người kia có hộ khẩu ở một tỉnh tít tận trên Tây Nguyên!
Họ đều có Bảo hiểm Y tế (BHYT), mức chi phí điều trị ngang nhau, nhưng do “sự tác động” của… cuốn sổ hộ khẩu nên mới có sự chênh lệch về chi phí thực tế lớn đến như vậy.
Điểm c Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT (đã sửa đổi) có quy định: Người bệnh tự ý đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tức trái tuyến) sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Trường hợp đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến trung ương thì chỉ được khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện mà mình đăng ký trong thẻ BHYT. Mà nơi đăng ký trong thẻ BHYT lại phụ thuộc vào địa chỉ thường trú (được ghi trong hộ khẩu).
Cũng theo Luật BHYT sửa đổi, người khám bệnh vượt lên tuyến trung ương khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được chi trả. Người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú ở tuyến trung ương. Trên thực tế, chỉ những người có hộ khẩu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế… mới có cơ hội khám chữa bệnh “đúng tuyến” tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy. Ngay cả việc mua BHYT tự nguyện cũng cần phải có hộ khẩu. Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch 41 quy định đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: “a) Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng; b) Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này”.
Như vậy, những người tạm trú ngắn hạn thì không thể tham gia BHYT ở nơi mình đang cư trú.
Chính vì thế, ngay sau khi có thông tin về việc sắp tới sẽ bỏ sổ hộ khẩu, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu quyền lợi người dân trong lĩnh vực dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe có thay đổi gì đáng kể hay không?
Theo Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng, việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu có thể sẽ tác động, khiến cho việc “khoanh vùng” thường trú ở đâu phải đóng bảo hiểm hay khám chữa bệnh ở đó không có cơ sở để tồn tại. Có nghĩa, một khi đã có thẻ BHYT thì người bệnh có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào mà mình lựa chọn để khám và điều trị.
Ngay cả với việc mua BHYT tự nguyện, khi người dân sinh sống, cư trú ở đâu cũng đều sẽ được giải quyết mua BHYT ngay tại nơi đó – nếu họ có yêu cầu.
Ủy viên thường trực UB Tư pháp của Quốc hội, ông Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu thì người dân sẽ được công bằng hơn trong quyền khám chữa bệnh, đi học, làm việc... Tuy nhiên, không thể phủ nhận khả năng một số vướng mắc sẽ phát sinh. Ví dụ, với chất lượng dịch vụ chênh lệch quá lớn với các địa phương còn lại, khi không còn bị hộ khẩu ràng buộc, nguy cơ quá tải dịch vụ ở các bệnh viện trung ương, thành phố lớn có thể rất cao. Về lý thuyết, có thể giải quyết điều này bằng cách đẩy giá dịch vụ lên theo “nguyên tắc thị trường”, nhưng như vậy lại tạo ra bất bình đẳng giữa quyền lợi của các công dân.
Vì thế, điều quan trọng là nhà nước phải cải thiện được chất lượng quản trị, dịch vụ công một cách đồng đều, nhằm tránh tình trạng “vượt tuyến” về y tế hay giáo dục.
Có một thông tin khá thú vị, đó là trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, Bộ Y tế đã có đề nghị bãi bỏ các quy định về sổ hộ khẩu trong lĩnh vực dịch vụ y tế. Bởi sổ hộ khẩu chính là điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số - theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế). Ông Tân dẫn ý kiến của lãnh đạo bộ này, rằng “tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu”.
Đó là lý do khiến nhiều người hy vọng, Y tế sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc xóa bỏ những rào cản mà sổ hộ khẩu từng gây nên trong suốt mấy chục năm qua.