Để hết cảnh "cúng ma chữa bệnh", y tế vùng cao tìm hướng phát triển

Minh Lâm
27/09/2022 - 13:18
Để hết cảnh "cúng ma chữa bệnh", y tế vùng cao tìm hướng phát triển

Bà con dân tộc thiểu số ở Mộc Châu, Sơn La, xếp hàng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Điều này cũng đòi hỏi y tế vùng cao cần phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của đồng bào.

Sơn La là tỉnh miền núi với diện tích rộng, địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng y tế, trang thiết bị, nhân lực y tế còn thiếu và yếu. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây ngày càng tăng, lại càng tạo áp lực cho ngành y tế địa phương.

Bà Nguyễn Ngọc Ng. trú tại Thuận Châu, Sơn La, cho biết, bà bị bệnh rối loạn đông máu. Việc đi lại xuống Hà Nội để điều trị là vô cùng khó khăn, tốn kém nên nhiều năm nay, bà thường chữa bệnh ở trong tỉnh. So với nhiều năm trước, y tế trong tỉnh cũng phát triển hơn nên việc khám chữa bệnh không còn khó khăn như trước nữa.

Bà Vừ Mai Quy (Tân Lập, Mộc Châu) chia sẻ, ở tuổi 70, mỗi lần đi viện, bà rất sợ vì đi lại xa xôi. Từ nhà bà ra thị trấn Mộc Châu cũng mất gần 30km để đón xe xuống tuyến trên khám. Gần đây, bà nhận thấy, tại địa phương, y tế cũng đã rất phát triển, thậm chí có nhiều bệnh có thể mổ ngay tại tuyến địa phương.

Năm ngoái, bà Quy cũng điều trị sỏi thận, may mắn bà mổ ngay tại bệnh viện huyện, chi phí được BHYT thanh toán, việc đi lại thăm nuôi cũng giảm hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia y tế, việc phát triển y tế cơ sở là bước đệm để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo thống kê của ngành y tế Sơn La, hiện nay toàn tỉnh có trên 4.800 cán bộ; 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 204 xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động. Để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, ngành Y tế Sơn La đã thực hiện tập trung đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y, bác sĩ. Trong đó, chú trọng vào đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật y học mới, góp phần đa dạng hóa các dịch vụ kỹ thuật, nâng cao tỷ lệ triển khai các kỹ thuật theo phân tuyến.

Để hết cảnh "cúng ma chữa bệnh", y tế vùng cao tìm hướng phát triển - Ảnh 1.

Việc phát triển y tế cơ sở là bước đệm để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi

Còn nhiều hạn chế

BCCK II Vy Hồng Kỳ - Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) - cho biết, Mộc Châu là huyện miền núi với nhiều dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều bệnh nhân đi khám tuyến huyện xong là xin về nhà điều trị lá lẻo, cúng ma... để chữa bệnh. Chỉ khi nào nguy kịch, họ lại đến viện nhưng khi được giới thiệu lên tuyến trên là bệnh nhân không đi vì sợ tốn tiền. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ý thức chăm sóc sức khỏe của bà con dân tộc trong vùng đã được cải thiện rất nhiều.

Để nâng cao chất lượng y tế tại địa phương, gần chục năm nay, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã cố gắng phát triển kỹ thuật, cử bác sĩ đi học tại Hà Nội dưới hình thức cầm tay chỉ việc để có thể trở về phục vụ khám chữa bệnh tại địa phương.

Nhiều kỹ thuật khó, các bác sĩ tại địa phương đã thực hiện được như điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng bằng liệu pháp Surfactant; Cấp cứu sơ sinh non tháng suy hô hấp; phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật chấn thương cột sống mất vững, phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước, chéo sau…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển còn nhiều hạn chế thách thức, theo bác sĩ Kỳ, y tế vùng cao còn nhiều khó khăn, các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến chưa triển khai, trang thiết bị chưa đáp ứng được công tác điều trị, nhiều bác sĩ đã đi đào tạo sau đại học khi về không có đủ trang thiết bị để triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, nguồn thuốc chưa đa dạng... Những yếu tố này khiến cho số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú thấp.

Không riêng gì BV Đa khoa Mộc Châu mà nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính ở vùng cao cũng gặp rất nhiều khó khăn, dù nhiều đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, song nguồn thu không đủ chi. Nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm đáng kể và giảm số lượng bệnh nhân nằm viện.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ, môi trường và áp lực công việc, chính sách đãi ngộ chưa cao, chưa xây dựng được chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lý, tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực đủ khả năng, trình độ và sự an tâm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào.

Trong vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng ghi nhận tình trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo, chuyển ra y tế tư nhân. Tình trạng này tuy chưa nhiều nhưng cũng cần phải xem xét về chế độ đãi ngộ - BS Kỳ cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm