Đề nghị xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

PVH
28/03/2022 - 22:10
Đề nghị xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

Các cựu Thanh niên xung phong đến dâng hương tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: BHT

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều nay (28/3), nhiều đại biểu nhận định: với những thành tích, công lao của thanh niên xung phong qua các thời kỳ cần có sự tôn vinh tương xứng.

Chiều 28/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 

Báo cáo một số vấn đề về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới chủ yếu là: thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích" trước đây; Đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua; Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…

Liên quan đến việc bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa quy định này vào Điều về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thể hiện tại khoản 2 Điều 95.

Cần tôn vinh tương xứng với công lao của thanh niên xung phong - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh tại hội nghị. Ảnh: VPQH

Tại hội nghị, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và thảo luận xoay quanh quy định về "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (quy định tại Điều 59, Điều 51 và Điều 55). Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, với những thành tích, công lao của thanh niên xung phong qua các thời kỳ cần có sự tôn vinh tương xứng. Do đó, việc bổ sung quy định về "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" là nhằm ghi nhận và tôn vinh lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp hết sức to lớn trong công cuộc kháng chiến xây dựng đất nước, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Đại biểu này cũng đồng nhất ý kiến về phạm vi trao tặng Huy chương cho lực lượng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu không có quy định giới hạn này sẽ dẫn đến các trường hợp sau giai đoạn này rất khó xử lý.

Bên cạnh đó, có đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị dự thảo Luật cân nhắc thêm về điều kiện thời hạn được phong tặng phải có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng; Còn thanh niên xung phong là liệt sĩ thì phải có thời hạn tại ngũ 1 năm trở lên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện phong tặng, truy tặng Huy chương. Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, nêu lên tấm gương hy sinh trung kiên, anh dũng của các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng thực tế thời gian tại ngũ của 10 cô gái đã hy sinh oanh liệt tại chiến trường này lại chưa đủ 1 năm. Nếu chiếu theo quy định tại Dự thảo Luật lại chưa đủ điều kiện để phong tặng.

Theo đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần linh hoạt trong quy định về điều kiện trao tặng sao cho phù hợp. Bởi thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có đặc điểm, tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn, tính chất công việc, yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đầu như mở đường, lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển vũ khí, cứu tàu quân sự... trực tiếp tham gia chiến dịch trên chiến trường, chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. 

Cần tôn vinh tương xứng với công lao của thanh niên xung phong - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, phát biểu. Ảnh: VPQH

Theo đó, các đại biểu đề nghị xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, tham gia kháng chiến quy định tại khoản 2 Điều 95 như sau: "Có thời gian tham gia liên tục trong lực lượng thanh niên xung phong từ 1 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt cũng phải xem xét. Nếu như trường hợp thời gian ngắn nhưng thành tích đặc biệt cần ghi nhận thì cũng cần phải có quy định riêng".

Còn với thanh niên xung phong là liệt sĩ, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên điều chỉnh theo hướng có thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong dưới 1 năm, để chúng ta có một một khung có thể ghi nhận được sự cống hiến của những người đã là liệt sĩ, thậm chí thời gian rất ngắn nhưng thành tích lại rất cao; để ghi nhận được những thành tích của thanh niên xung phong đã là liệt sĩ, thương binh, đặc biệt là thương binh nặng… 

Những trường hợp này cần phải có sự linh hoạt trong quy định về thời hạn cũng như điều kiện công nhận tặng và truy tặng sao cho phù hợp với thực tiễn cũng như đúng với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 01 điều (Điều 95), bãi bỏ 03 điều (Điều 55, 70 và Điều 94 dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm