Để thai kỳ an toàn, bà bầu không nên bỏ qua những lưu ý sau

09/09/2019 - 11:30
Khi mang thai, sức đề kháng của phụ nữ giảm hơn bình thường. Do đó phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là những bệnh dưới đây nên chị em cần chú trọng trong phòng tránh.

Thiếu máu

Theo TS Vũ Bá Quyết, Nguyên Giám đốc BV Phụ sản TƯ, thiếu máu ở phụ nữ mang thai chủ yếu do thiếu sắt. Để dự phòng thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên chú ý tăng cường sắt từ những thực phẩm có màu đỏ, cá, trứng, rau có màu xanh đậm hoặc các chế phẩm bổ sung sắt.

anh11.jpg
Thiếu máu khi mang thai dễ gây chóng mặt và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi. Ảnh minh họa

 

Tiền sản giật

Tiền sản giật là bệnh nguy hiểm, chiếm tỉ lệ từ 6 đến 8% số phụ nữ mang thai. Bệnh có biểu hiện là cao huyết áp, phù mặt, phù chân tay và nước tiểu có nhiều chất đạm.

Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu khiến máu chảy không cầm được, có thể co giật trước, trong và sau khi sinh làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai chết trong tử cung. Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong. Thăm khám thai định kỳ, bổ sung dưỡng chất đầy đủ… có thể hạn chế tình trạng này.

Tiểu đường

Tiểu đường cũng là bệnh khá nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai. Bạn cần kiểm tra nước tiểu mỗi khi đi khám thai. Nếu mắc bệnh đái tháo đường trong giai đoạn mang thai, phụ nữ cần được theo dõi kỹ để được hướng dẫn chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh, giảm bớt lượng đường, béo và muối. Bên cạnh đó, có thể phải điều trị bằng thuốc nếu không thể điều chỉnh đường huyết bằng chế độ ăn để giảm nguy cơ cho mẹ và thai nhi.

Hen suyễn

Thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ dễ bị dị ứng với môi trường xung quanh. Do đó những bà mẹ có tiền sử hen suyễn dễ bị bộc phát, nhất là vào tuần cuối của thai kỳ.

Phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc trị hen suyễn dạng khí dung, giúp dễ thở hơn, giải pháp này hầu như không ảnh hưởng gì đến thai nhi.

Trầm cảm

Trầm cảm thường xảy ra ở bà bầu, với các triệu chứng như buồn chán, mất ngủ, mất năng lượng. Trầm cảm dẫn đến hậu quả ở mẹ là tăng cân ít, có ý định tự tử; còn thai nhi là suy dinh dưỡng, sinh non, chậm phát triển tâm thần. Vì vậy thai phụ cần được khám chuyên khoa để được theo dõi và điều trị.

anh11a.jpg
Trầm cảm thường xảy ra ở bà bầu, với các triệu chứng như buồn chán, mất ngủ, mất năng lượng

 

Cảm cúm

Do sức đề kháng của thai phụ giảm nên dễ bị nhiễm siêu vi gây bệnh cảm cúm. Phụ nữ mang thai nếu bị cảm cúm nên ăn nhiều tỏi, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để nâng cao hệ miễn dịch.

Đặc biệt không được uống thuốc cảm cúm bừa bãi mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ là do mẹ uống thuốc cảm cúm khi mang thai.

Viêm âm đạo do nấm

Khi có thai, phụ nữ dễ bị viêm âm đạo do nấm. Nếu bà bầu thấy âm đạo có nhiều huyết trắng, váng đục như sữa đông, cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đau rát, cần đến bác sĩ để khám và điều trị ngay. Nếu kéo dài tình trạng viêm nhiễm này dễ khiến mẹ sinh non và sẩy thai.

Viêm cầu thận

Bệnh gây tổn thương đến tiểu cầu thận, diễn tiến chậm và người bệnh bị viêm cầu thận thường có biểu hiện là chân bị phù, giảm chức năng thận, huyết áp tăng cao, tiểu ra máu… Nếu thai phụ bị viêm cầu thận ở thể nặng có thể làm cho nhau thai và cuống nhau bị teo nhỏ, khiến thai suy dinh dưỡng, sẩy thai, thai chết lưu.

Tuy nhiên nếu bị viêm cầu nhẹ, thai phụ vẫn có thể mang thai bình thường nhưng cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng gây những biến chứng không tốt đến sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi.

Viêm gan siêu vi B

Đây là một trong những bệnh lây truyền từ mẹ sang con khá nguy hiểm vì nếu bị nhiễm bệnh từ mẹ, sau này em bé có nguy cơ cao chuyển sang xơ gan, ung thư gan. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sớm đi tiêm vaccine phòng viêm gan B để bảo vệ cho sức khỏe của mình cũng như có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu không may bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì khi có thai, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo vệ em bé trong thai kỳ và các biện pháp tiêm phòng ngay khi em bé sinh ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm