Dễ tử vong vì ngộ độc nấm nếu người dân tiếp tục những thói quen này

Linh Trần
17/05/2020 - 18:30
Dễ tử vong vì ngộ độc nấm nếu người dân tiếp tục những thói quen này

Bệnh nhân Lý A Bia được cấp cứu tại bệnh viện trước khi tử vong do ngộ độc nấm

Từ những vụ ngộ độc nấm liên tiếp khiến 5 trẻ từ vong tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên) mới đây, theo các chuyên gia, tình trạng ngộ độc nấm có thể còn tái diễn nếu người dân vẫn giữ thói quen vào rừng hái nấm để ăn.

Nhiều người dân tại xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của 3 trẻ do ngộ độc nấm. Trước đó, chiều tối 25/4, các bé Hạng Thị Phua (sinh năm 2006); Hạng Thị Tang (sinh năm 2008, là em ruột của Phua) và Giàng Thị Sư (sinh năm 2014) đều trú tại xã Na Cô Sa cùng đi hái nấm rừng về nấu ăn. Đến sáng 26/4, cả 3 đau đầu, đau bụng, buồn nôn, không ăn uống được. Sáng 27/4, các cháu có biểu hiện nặng hơn, lúc này các bé mới kể lại việc đi hái nấm về nấu ăn. 

Ngay sau đó, gia đình đưa 3 bé đến Trạm Y tế xã để cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Hạng Thị Tang đã qua đời trên đường đến trạm y tế. Hạng Thị Phua và Giàng Thị Sư đã được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cấp cứu rồi chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Điện Biên. Sau một tuần cấp cứu, 2 cháu đã không qua khỏi và tử vong ngày 2/5.

Trước đó, ngày 4/4, hai cháu Lý A Bia (sinh năm 2005) và Lý A Cự (sinh năm 2008), trú tại xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cũng đã tử vong do ăn nhầm nấm độc.

Nhận biết 4 loại nấm độc

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nấm mọc tự nhiên trong rừng có đến hàng trăm loại nhưng chỉ có 30-40 loài ăn được, còn lại đa phần là nấm độc. Trong khi đó, không phải ai cũng có hiểu biết, kinh nghiệm để phân biệt, nhất là trẻ nhỏ.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc nấm có thể xảy ra với bất cứ ai, không riêng gì trẻ nhỏ. Tại Việt Nam hiện có một số loại nấm độc phổ biến. Loại 1 là nấm độc tán trắng. Loại này mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng. Mũ nấm màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5-10 cm. Khi già, mép mũ có thể cụp xuống. Cuống nấm màu trắng, thân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.

Loại 2 là nấm độc trắng hình nón. Loại này mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất. Mũ nấm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm thường khum hình nón. Cuống nấm màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi khó chịu.

Loại 3 là nấm mũ khía nâu xám. Loại nấm này mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát. Mũ nấm hình nón hoặc hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng, gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu, tách rời khỏi cuống nấm, thịt màu trắng.

Loại 4 là nấm ô tán trắng, phiến xanh. Loại này mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác. Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành, mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng. Cuống nấm màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Thịt nấm màu trắng, chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc.

Theo Cục An toàn thực phẩm, để tránh ngộ độc nấm, người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn đó là nấm ăn được. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc). Người dân không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ, không hái nấm non chưa xòe mũ. Nếu là nấm tươi ăn được thì sau khi hái nên ăn ngay, bởi nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm