Đề xuất các địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện

P.V
29/09/2022 - 14:57
Đề xuất các địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện

Tuyên truyền, vận động người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh BHXH

Mức đóng BHXH tự nguyện điều chỉnh tăng từ đầu năm 2022, gây không ít trở ngại đối với người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có thu nhập eo hẹp, bấp bênh.

Theo quy định, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, việc này khiến nhiều người đang có ý định tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn… Theo BHXH Việt Nam, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, không ít người dân đã phải rời lưới an sinh do không có đủ điều kiện tiếp tục tham gia chính sách.

Qua 2 năm liên tục bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, người lao động (NLĐ) gặp khó khăn về việc làm, thu nhập lại phải giãn cách xã hội nên việc tăng mức đóng rõ ràng càng thêm khó khăn cho người lao động, dẫn đến một số người rút khỏi hệ thống, không tham gia tiếp và số người mới không tăng thêm… những yếu tố trên chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện là cần thiết, việc này nhằm bảo đảm cho NLĐ khi về già có mức lương hưu cao hơn, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tuy vậy, để NLĐ yên tâm, BHXH các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, rõ ràng quy định mới này; mặt khác, kiến nghị các địa phương nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ thêm về mức đóng với những đối tượng thực sự khó khăn trong điều kiện ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, nhưng mới có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH. Ở khối phi chính thức, không có hợp đồng lao động, hiện có khoảng 21,4 triệu người tham gia lao động, nhưng mới chỉ có 0,2% trong số này tham gia BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Đề xuất các địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Người lao động tham gia BHXH khi trẻ để đảm bảo an sinh khi về già. Ảnh minh hoạ BHXH

Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam), ngày càng có nhiều lao động không có quan hệ lao động, thể hiện qua hình thức hợp đồng lao động có tính ổn định, lâu dài. Do vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có hợp đồng lao động.

Cùng với đó, các chế độ BHXH, sản phẩm và dịch vụ BHXH cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp, hấp dẫn và đa dạng hơn. Qua đó tạo nền tảng để mở rộng mức độ tham gia bảo BHXH tự nguyện và bắt buộc.

Cùng với đó, để duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH, một số chuyên gia đưa ra đề xuất Chính phủ nên tăng thêm mức hỗ trợ đóng góp vào quỹ. Theo đó, có thể bằng 2 lần hỗ trợ hiện tại để người lao động có điều kiện khôi phục và phát triển việc làm tăng thu nhập coi đây như là gói an sinh xã hội trực tiếp để bảo toàn và tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, một số địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện nhằm tăng diện bao phủ. BHXH Hà Nội cho biết, mới đây, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác. Nhờ vậy, không ít lao động thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn có điều kiện và vững tâm hơn để tham gia BHXH, đảm bảo an sinh khi về già.

Căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi, như sau:

Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là: 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng. Tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng).

Đồng thời, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc: hộ nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); hộ cận nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và đối tượng khác - số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm