pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh: “Ủng hộ rút ngắn thời gian nghỉ hè”
Đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung đưa ra cách đây vài ngày, trong bối cảnh Hà Nội cùng nhiều tỉnh/thành trên cả nước đang cho học sinh nghỉ học trong khoảng gần 1 tháng để tránh dịch covid-19. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, ngành giáo dục nên xem xét đề xuất với Bộ GD&ĐT sắp xếp lại khung thời gian năm học, chia năm học thành 4 kỳ, rút ngắn thời gian nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ Tết cho học sinh thay vì nghỉ 2 kỳ như hiện nay.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): "Đề xuất này khá hợp lý, nếu làm được sẽ rất tốt bởi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Nghỉ hè quá dài khiến việc khởi động năm học sau sẽ là một sức ì lớn, do đó rất vất vả cho giáo viên. Nếu kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày sẽ giảm được áp lực này, khởi động năm học mới cũng sẽ dễ dàng hơn. Điều tôi băn khoăn là phương án này nếu được chấp thuận thì cần được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh/thành thay vì chỉ áp dụng ở Hà Nội hay một vài địa phương? Ngành giáo dục có những hoạt động giáo dục ở phổ thông liên quan đến nhau và mang tính chất toàn quốc. Cho nên, nếu không thực hiện đồng bộ thì các hoạt động chung sẽ bị ảnh hưởng, không nhất quán trên toàn quốc".
"Tôi thấy nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy, học sinh có kỳ nghỉ dài vào mùa đông, được nghỉ 4 kỳ. Qua nghiên cứu việc phân kỳ học cho học sinh thành 4 kỳ/năm thì kỳ nghỉ hè chỉ cho nghỉ từ 35 ngày thôi, kỳ nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng", ông Nguyễn Đức Chung nói. Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cách phân chia này giúp phân luồng đảm bảo giao thông, phân bố lại giao thông ở thành phố tốt hơn, đồng thời kích cầu tiêu dùng ở các gia đình. "Mùa đông, mùa hè học sinh đều có thể được nghỉ, có thể cùng gia đình đi nghỉ các nơi, không bị tập trung vào mùa hè. Việc này có rất nhiều tác dụng. Tôi giao Sở GD&ĐT nghiên cứu để thời gian tới chúng ta có ý kiến đề xuất với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ để tính toán lại lịch, nếu được có thể áp dụng ngay từ năm học tới", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Sau đề xuất này, ghi nhận thực tế và trên nhiều diễn đàn cha mẹ cho thấy nhiều phụ huynh tỏ ra đồng tình. Nhiều người nêu lý do, học sinh nghỉ hè trong thời gian dài khiến cha mẹ "đau đầu" sắp xếp công việc để vừa chăm sóc con, vừa không khiến con xao nhãng việc học. Chị Lưu Thu Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Cho con nghỉ hẳn theo đúng nghĩa nghỉ ngơi thì 3 tháng là quá dài, bố mẹ không thể chơi suốt cùng con mà phải nghĩ đủ cách để gửi con. Trong khi đó, vẫn phải cho con đi học thêm để tránh quên kiến thức. Tôi ủng hộ việc rút ngắn thời gian nghỉ hè, thay vào đó là có thêm kỳ nghỉ Tết dài, hoặc giữa các kỳ học có một khoảng thời gian để con nghỉ ngơi".
Chị Nguyễn Thị Hải, phụ huynh tại TP Vinh (Nghệ An): "Từ đề xuất của lãnh đạo TP Hà Nội, tôi nghĩ có thể áp dụng được với nhiều địa phương tùy theo vùng miền. Tôi thấy điều này sẽ thuận lợi hơn cho phụ huynh trong việc sắp xếp các kỳ nghỉ cho con thay vì mệt mỏi chạy theo một mùa hè dài dằng dặc như hiện nay. Tuy nhiên, giáo viên cần quán triệt việc học để phối hợp tốt hơn với phụ huynh, có kế hoạch ôn tập kiến thức phù hợp cho các con trong thời gian nghỉ để tránh xáo trộn, quên kiến thức. Để làm được điều này, cha mẹ phải đồng lòng với nhà trường. Cần nghĩ đến quyền lợi từ hai phía, nếu gia đình muốn giảm tải gánh nặng dồn kỳ nghỉ lại thì nên đồng nhất trong việc lo lắng quan tâm nhiều hơn đến việc tự học của con ở nhà trong mỗi kỳ nghỉ".
Một số phụ huynh ở Hà Nội cũng cho rằng, ngay sau Tết, việc con trở lại trường khiến họ lo lắng bởi thời điểm này chuyển mùa, nồm ẩm, là nguy cơ gây ra nhiều bệnh và trẻ dễ bị lây nhiễm như các bệnh về da, đường hô hấp... Không ít phụ huynh đề xuất: nên cho học sinh nghỉ Tết thêm khoảng 3 tuần và giảm số ngày nghỉ hè, đi học vào đúng ngày 5/9 - dịp Khai giảng để đảm bảo ý nghĩa của ngày khai trường, thay vì trẻ phải đi học trước khai giảng cả tháng như hiện nay.
Mặc dù có những ý kiến đồng tình, song cũng còn nhiều băn khoăn đặt ra nếu hiện thực hóa đề xuất này. PNVN sẽ phản ánh trong bài viết tiếp theo.
Thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên trường Anhxtanh (Hà Nội): "Các địa phương hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp kế hoạch năm học và phân chia kỳ nghỉ hợp lý. Học sinh nghỉ bao nhiêu lần trong năm, mỗi lần kéo dài bao lâu (miễn là không ảnh hưởng biên chế năm học) nên sắp xếp tùy thuộc vào đặc điểm khí hậu, kinh tế và sinh hoạt văn hóa của địa phương. Mỗi tỉnh có thể khai giảng và có các kỳ nghỉ khác nhau. Thậm chí, thời điểm kết thúc năm học cũng có thể không giống nhau. Nếu kỳ thi cuối cấp nên giao về địa phương và việc xét tuyển đại học được tổ chức nhiều lần trong năm, việc "địa phương hóa" lịch học, lịch nghỉ hoàn toàn khả thi".