Đề xuất người lao động tham gia BHXH tự nguyện được ưu đãi vay vốn

23/04/2018 - 15:55
Năm 2017, chỉ có hơn 227 ngàn người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Nhiều năm qua, việc thu hút người lao động, đặc biệt là lao động tự do, khu vực phi chính thức tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn là điểm nghẽn; cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ những bất cập đang tồn tại.

Sáng nay 23/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 8. Tại phiên làm việc này, các đại biểu nghe và thảo luận, chất vấn về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2017.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2017, có hơn 227.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 11,59% so với năm 2016, nhưng chỉ đạt 61% kế hoạch được giao.

phien-hop-toan-the-uy-ban-cac-van-de-xa-hoi-quoc-hoi.jpg
Phiên họp toàn thể thứ 8 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, vấn đề tồn tại rất cơ bản trong quá trình thực hiện Luật BHXH là việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện rất chậm. Ở đây có thể thấy vấn đề BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, người lao động chưa mặn mà với loại hình này. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là việc phát triển đối tượng chậm thời gian qua, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và giải pháp là gì?

Lý giải vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng thời gian qua số lượng người tham gia BHXH tự nguyện không đạt như được giao, “nếu không có quyết tâm chính trị rất cao thì sẽ tiếp tục không đạt”.

Theo ông Dung, hiện nay công tác tuyên truyền cho đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, người chưa tham gia BHXH tự nguyện, còn chưa đúng mức. Qua khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, có tới 70% người được hỏi chưa biết gì về BHXH tự nguyện, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi.

Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi, nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp. Thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp; đồng thời tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng.

Cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo sự thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin về BHXH, đăng ký tham gia. Các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi…

ong-dao-ngoc-dung-bo-truong-lao-dong-thuong-binh-xa-hoi.jpg
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, phát biểu
 

Để mở rộng đối tượng, theo ông Đào Ngọc Dung, cần quy định giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của nhà nước, ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi BHXH tự nguyên qua ngân hàng, đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ, nhằm tạo thuận tiện nhất cho người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Số thu BHXH tự nguyện năm 2017 ước khoảng 1.207 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2016 nhưng chỉ đạt 62% kế hoạch được giao.

Tính đến ngày 31/12/2017, có hơn 35.000 người hưởng lương hưu BHXH tự nguyện với số chi ước là 835 tỷ đồng, tăng 57,55% so với năm 2016.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm