Đề xuất quy định Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tham gia, giám sát quá trình tố tụng người chưa thành niên

PV
17/04/2024 - 15:35
Đề xuất quy định Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tham gia, giám sát quá trình tố tụng người chưa thành niên

Một buổi học tại trại giáo dưỡng dành cho người chưa thành niên. Ảnh minh họa VGP

Về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung tại Điều 164 về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia, giám sát trước và trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Như Báo PNVN đã đưa, sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Chia sẻ bên lề phiên họp này, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật, Toà án nhân dân tối cao đã xây dựng báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật; dự thảo Luật đã quy phạm hoá các chính sách có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Về nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Dự thảo trình phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (tại Điều 164). Tuy nhiên, quy định này còn chưa đầy đủ "thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên", trong khi đó vai trò giám sát trong tố tụng hình sự đã được quy định tại Khoản 2 Điều 33 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015: "Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng".

Đặc biệt, với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiến hành phản biện xã hội dưới góc độ giới. Hiện nay Hội LHPN Việt Nam đang lấy ý kiến cán bộ, hội viên phụ nữ và dự kiến tổ chức phản biện xã hội vào tháng 5/2024.

Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong quá trình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, như Luật trẻ em năm 2016 quy định, "Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngoài việc thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện giám sát việc bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em" (khoản 5 Điều 91), "Hội LHPN Việt Nam cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp khác đối với trẻ em" (khoản 4 Điều 73-Phục hồi và tái hoà nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật)….

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung tại Điều 164 về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia, giám sát trước và trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Bên cạnh đó, để phát huy và tạo cơ sở cho tổ chức Hội LHPN Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong hỗ trợ trẻ em là người bị hại, đặc biệt là trẻ em gái trong các vụ án liên quan đến trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành hoặc bị mua bán, đề nghị bổ sung tại khoản 2, Điều 114 về người tiến hành tố tụng. Cụ thể là hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên cần phải có cán bộ Hội LHPN Việt Nam.

Đề xuất quy định Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tham gia, giám sát quá trình tố tụng người chưa thành niên- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết thêm, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Hội LHPN Việt Nam đã có công văn góp ý gửi đến Tòa án nhân dân tối cao đối với dự thảo Luật. Qua rà soát, có 06/08 nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo Luật tại các nội dung: Các vấn đề chung về xây dựng dự thảo Luật; Bổ sung phạm vi điều chỉnh, rà soát, quy định về người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, đương sự; Thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; Quy trình xử lý chuyển hướng; Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; Không thành lập riêng quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm đảm bảo điều kiện phòng ở khi giam giữ, áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với nhóm đối tượng người chưa thành niên là người đồng tính, người chưa xác định rõ giới tính; Đảm bảo tính khả thi đối với sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm