pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bổ sung mới các biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà với người chưa thành niên bị buộc tội
Người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng ngày càng phức tạp. Ảnh minh họa TTX
Sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 168 điều được bố cục thành 05 phần, 12 chương điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, về hình phạt (Chương VII), dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên, cụ thể: Giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo, theo hướng áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu người đó có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Về mức hình phạt, Khoản 1 Điều 103 Bộ luật Hình sự quy định: Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giảm mức hình phạt đối với người chưa thành niên, cụ thể: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù;
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 09 năm tù.
Về thủ tục tố tụng thân thiện (Chương VIII và IX), cơ quan soạn thảo cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên được thực hiện chung, chưa có sự phân biệt cho từng đối tượng, vẫn thiếu cơ chế thân thiện.
Do đó, đổi mới quy trình thủ tục tố tụng thân thiện hơn với người chưa thành niên, phù hợp với từng đối tượng người chưa thành niên. Dự thảo Luật quy định 02 thủ tục tố tụng: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội; Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
Riêng với thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội (chương VIII), Dự thảo Luật quy định 6 biện pháp ngăn chặn, trong đó 02 biện pháp mới bổ sung là giám sát điện tử và giám sát tại nhà (Điều 114).
Dự thảo Luật đã thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó người chưa thành niên chỉ bị tạm giam trong các trường hợp sau đây:
Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Tiếp tục phạm tội; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, tội nghiêm trọng do cố ý thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Tiếp tục phạm tội; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; d) Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu đồ vật của vụ án; Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cho biết, dự thảo Luật quy định các thủ tục tố tụng thân thiện khi lấy lời khai, hỏi cung, nhận dạng, đối chất như: Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính; thời gian lấy lời khai, hỏi cung bị can là người chưa thành niên không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ; đối chất được tiến hành không quá 01 giờ và phải tạm dừng ngay khi người chưa thành niên có dấu hiệu mệt mỏi; tôn trọng và giữ bí mật của người chưa thành niên khi thực hiện khám xét thân thể....
Quy định thủ tục xét xử thân thiện: Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác, người chưa thành niên không phải đứng tại bục khai báo mà ngồi cùng với cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Khi xét hỏi thì phải đặt câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu...